Tiếng Việt | English

05/09/2015 - 05:37

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Long An đón chào ngày khai giảng năm học 2015-2016 với quyết tâm mới. Đây là năm thứ 2 thực hiện Chương trình số 37-CTr của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch số 768/KH-UBND của UBND tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ngành GD&ĐT đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm và chỉ tiêu phấn đấu cụ thể trong năm học này. Để hiểu thêm, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD&ĐT - Trần Hoàng Nhân xung quanh vấn đề này.


Giáo viên gợi ý để học sinh làm bài tập

PV: Thưa ông, xin ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2015-2016 và kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ đó?

Ông Trần Hoàng Nhân: Ngành tiếp tục đổi mới công tác quản lý GD&ĐT; triển khai chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và các chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển GD&ĐT tỉnh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030. Ngành thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình GD, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD ở các cấp học. Đến nay, Long An đã cơ bản hoàn thành công tác phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, tạo cơ sở phát triển bền vững GD mầm non giai đoạn 2016-2020; tăng tỷ lệ huy động trẻ ở tất cả các độ tuổi, trong đó, huy động hầu hết trẻ 5 tuổi ra lớp và có ít nhất 95% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày.

Đối với GD tiểu học, ngành tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Riêng GD trung học, ngành tiếp tục triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng đối tượng học sinh và thực hiện giảm tải chương trình GD phổ thông; tăng cường dạy 2 buổi/ngày và quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm.

Với GD thường xuyên và GD chuyên nghiệp, ngành tiếp tục thực hiện mục tiêu Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" và "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020".

PV: Xin ông cho biết, các công tác thực hiện về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, thưa ông?

Ông Trần Hoàng Nhân: Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT bao gồm khắc phục những hạn chế, yếu kém của ngành; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; thực hiện tốt công tác PCGD, đặc biệt PCGD trung học; quản lý tốt về việc dạy thêm, học thêm theo quy định,...

Trong năm học này, ngành xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và các chỉ tiêu phấn đấu, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT; đề ra các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh.


Học sinh vào chương trình học chính thức

Năm 2015, ngành xây dựng và triển khai thực hiện 5 chương trình thực hiện Chiến lược phát triển GD&ĐT tỉnh Long An giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030; 1 chương trình hành động của ngành GD&ĐT về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT tỉnh giai đoạn 2015-2020; 2 đề án xây dựng nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2015-2020 và thành lập trường chất lượng cao, giai đoạn 2015-2020. Trong đó, Chương trình 1: Phát triển đội ngũ và nâng cao chất lượng cán bộ quản lý GD, giáo viên; Chương trình 2: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường và trong đổi mới công tác quản lý GD; Chương trình 3: Sắp xếp cơ cấu và phát triển mạng lưới trường học theo hướng hiện đại hóa và chuẩn hóa, làm nòng cốt xây dựng xã hội học tập,...

Đến năm 2016, ngành xây dựng và triển khai Đề án phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS giai đoạn 2016-2020.

PV: Ông có thể cho biết, những việc làm cụ thể nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT năm 2015-2016?

Ông Trần Hoàng Nhân: Ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh, sinh viên, đặc biệt đối với GD vùng khó khăn, vùng sâu của tỉnh.

Với cấp GD mầm non, ngành chú trọng GD hình thành và phát triển kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi của trẻ, yêu cầu của xã hội hiện đại và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, ngành hỗ trợ thực hiện chương trình GD mầm non ở vùng sâu, vùng khó khăn trong tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng GD ở những vùng này.

Với GD tiểu học, ngành tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình trường học mới tại Việt Nam, Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ GD, Đề án "Phương pháp bàn tay nặn bột",... giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, theo hướng mới, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng GD.

Với GD trung học, ngành tiếp tục đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo hướng đánh giá năng lực, phẩm chất người học. Đồng thời, nâng cao chất lượng của ngân hàng câu hỏi, không ngừng khắc phục tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD. Ngành triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ, đề án phát triển Trường THPT Chuyên Long An, xây dựng đề án trường THPT chất lượng cao,...

PV: Các chỉ tiêu phấn đấu trong năm học 2015-2016 và các biện pháp thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Trần Hoàng Nhân: Ngành đề ra nhiều chỉ tiêu phấn đấu trong năm học 2015-2016. Trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng gồm tỷ lệ PCGD mầm non trẻ 5 tuổi đạt 99,9%; tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày từ 80% trở lên; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 55%; hiệu quả đào tạo cấp THPT hệ THPT đạt 83% và hệ GD thường xuyên đạt 40%; xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD trung học đạt 67,7%,...

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, ngành tích cực tham mưu đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị trường, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Ngành thực hiện đổi mới phương pháp dạy, nâng cao chất lượng GD ở từng đơn vị trường học; đề ra biện pháp thu hút học sinh như mở hệ GD thường xuyên trong trường THPT; tích cực hỗ trợ học sinh thông qua chương trình khuyến học, khuyến tài, phát huy vai trò của các hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.

Ngành tích cực tuyên truyền sâu rộng đến người dân về vai trò quan trọng của GD trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo. Về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nằm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, đồng thời, gắn với tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới của các địa phương, có nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh,... góp phần thuận lợi trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của ngành.

Còn với công tác PCGD mầm non trẻ 5 tuổi, hiện các địa phương cơ bản hoàn thành. Các đoàn của tỉnh đang kiểm tra công nhận các huyện đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi./.

Ngọc Thạch



 

 

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích