Tiếng Việt | English

11/06/2015 - 11:08

Đời sống tinh thần của công nhân tại các khu công nghiệp nghèo nàn

Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp (KCN), 18 cụm công nghiệp (CCN), với hơn 270.000 công nhân (CN) tham gia làm việc và lao động trong hơn 5.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các K,CCN, những khu nhà trọ cho CN lao động, cơ sở vật chất phục vụ đời sống tinh thần như khu vui chơi thể thao, nhà văn hóa vẫn còn thiếu nhiều. thực trạng hiện nay, nhiều thanh niên (TN), CN phải ở chung để tiết kiệm chi phí sinh hoạt chen chúc nhau trong phòng trọ chật hẹp, không tivi, không báo chí, không mạng internet. thiếu phương tiện vui chơi giải trí, nên cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn từ nhà trọ đến công ty và ngược lại.

Cty Bùi Văn Ngọđầu tư sân khấu chuyên nghiệp phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho công nhân

Không biết vui chơi, giải trí bằng gì?

Khu nhà trọ Bảy Công, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa có 70 phòng, trong đó gần một nửa là gia đình công nhân, từ 2 - 4 thành viên ở cùng một phòng, với diện tích từ 8 - 12m2. Nguyễn Thị Mỹ, ở phòng trọ số 16, khu nhà trọ Bảy Công, tâm sự: “Quê em ở Vĩnh Long, lên đây làm việc tại Cty Bùi Văn Ngọ và thuê trọ đã hơn 2 năm nay. Hiện em ở cùng với 2 bạn khác để tiết kiệm chi phí. Thu nhập của tụi em cũng tương đối ổn định nếu làm tăng ca, nhưng sau giờ làm, tụi em hầu như không biết vui chơi, giải trí bằng gì. Cách đây 2 năm, khi thành lập khu nhà trọ công nhân tự quản, ở đây được trang bị tủ sách pháp luật, nhưng đi làm về lo cơm nước đã quá khuya, không còn thời gian để đọc sách”.

Nhiều gia đình CN cho biết, do nguồn thu nhập thấp, lại phải chi nhiều khoản, nên có giỏi tính toán lắm cũng chỉ đủ cơm ngày hai bữa, làm gì dám nghĩ đến đi chơi hay tham gia các hoạt động giải trí. Nguyễn Bình Nguyên, CN Cty TNHH Giày Hù Kiệt (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức), bộc bạch: “Thời gian làm việc của tụi em thường từ 8 đến 12 tiếng/ngày. Ngoài giờ làm việc, tụi em cũng có nhu cầu giải trí, nhưng hiện nay, các hoạt động vui chơi cho TN, CN tại các khu nhà trọ hầu như không có gì. Trong thời gian tới, mong rằng các cấp công đoàn sẽ có nhiều hoạt động thiết thực hơn để giúp các CN xa nhà như tụi em có điều kiện thư giãn tinh thần sau những giờ lao động vất vả”.

Có thể khẳng định, một thực tế hiện nay là các hoạt động vui chơi, giải trí dành cho TN, CN còn rất “khiêm tốn” so với nhu cầu. Nhiều hoạt động còn mang nặng tính hình thức, chưa đáp ứng được nguyệnvọng, mong mỏi của phần lớn TN, CN. Trong khi tại các doanh nghiệp, tỷ lệ TN, CN trong độ tuổi từ 18 đến 35, chiếm hơn 75%. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty Shilla Bags (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) - Nguyễn Văn Chức cho biết: “Dù Ban Chấp hành Công đoàn Cty đã đề xuất tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho CN, nhưng thực tế những hoạt động mà công đoàn tổ chức vào những dịp 8-3 hay Tết Nguyên đán cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của CN, nhất là đối với những TN, CN xa quê, phải thuê nhà ở trọ như hiện nay”.

Cty TNHH Giầy Ching Luh tổ chức hoạt động vui chơi cho TN, CN nhân ngày 8-3

Dù cố gắng nhưng chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu

Để tạo điều kiện cho TN, CN được vui chơi, giải trí lành mạnh, thiết nghĩ, các cấp công đoàn cần tổ chức thêm các sân chơi miễn phí cho CN. Chẳng hạn tổ chức những giải thi đấu bóng đá, cuộc thi tiếng hát CN, hoặc một chương trình văn nghệ được đầu tư xứng đáng,… Đó mới chính là những“món ăn tinh thần” bổ ích, hấp dẫn, giúp CN giải trí, thư giãn tốt nhất. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, cần có sự đồng thuận của toàn xã hội, nhất là các cơ quan chức năng để CN - một lực lượng lao động quan trọng được bù đắp xứng đáng với công sức mà họ đã bỏ ra.

Trần Tuấn Khải, CN Cty TNHH Dệt kim Đông Phương (KCN Xuyên Á, huyện Đức Hòa), chia sẻ: “Ngoài giờ làm việc, nếu không la cà quán cà phê thì em cũng không biết đi đâu, vì xung quanh đây có hàng ngàn CN lao động, nhưng không có một sân thể thao hay bất kỳ một khu vui chơi văn hóa nào. Lâu lâu, Cty mới tổ chức những buổi giao lưu bóng đá, bóng chuyền cho CN, nhưng đâu phải ai cũng được tham gia. Tụi em làm theo ca, nên hầu như chỉ biết làm việc và làm việc. Cách giải trí gần như duy nhất của tụi em là tranh thủ những giờ rảnh rỗi đi uống cà phê mà thôi”. Tuy nhiên, đối với những công nhân ở độ tuổi 19, 20, thú vui này cũng không duy trì được đều đặn, bởi ngoài sự nhàm chán thì với mức thu nhập vài triệu đồng/tháng, CN lao động cũng không thể đủ khả năng tới quán uống cà phê mỗi ngày.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đức Hòa - Trần Văn Đức, cho biết: Trong năm 2015, hưởng ứng Tháng Công nhân, LĐLĐ huyện đã tổ chức giải bóng đá mi ni cho công nhân lao động, với sự tham gia của 28 đội đến từ công đoàn cơ sở các doanh nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là sân chơi bổ ích, lành mạnh cho CN, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị kinh tế đã phối hợp hiệu quả với các ngành chức năng và địa phương để xây dựng cơ sở vật chất, cũng như tài trợ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục, thể thao cho CN. Điển hình như Cty Bùi Văn Ngọ đã đầu tư sân khấu, dàn âm thanh chuyên nghiệp để tổ chức cho CN lao động vui chơi, ca hát nhân các ngày lễ, tết.

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Nguyễn Văn Quí, trong thời gian qua, công đoàn các cấp đã có rất nhiều nỗ lực trong việc góp phần tạo điều kiện giúp CN xa nhà có nơi vui chơi, giải trí lành mạnh. Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã trình UBND tỉnh Đề án xây dựng các khu nhà trọ CN tự quản và làm điểm được 1 khu tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, 2 khu tại huyện Bến Lức. Ở những khu nhà trọ CN tự quản này, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ trang bị tủ sách pháp luật. Trong đó có đủ những đầu sách về Luật Lao động, Luật Hôn nhân - Gia đình,… để CN vừa giải trí vừa tìm hiểu rõ hơn về những quy định của pháp luật. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn kêu gọi các doanh nghiệp chủ động đầu tư ngay trong Cty các công trình văn hóa quy mô nhỏ phục vụ CN. Tuy nhiên, dù có nỗ lực nhưng hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của một lượng lớn CN lao động, nhất là TN, CN lao động nhập cư trên địa bàn tỉnh như hiện nay./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết