Tiếng Việt | English

19/02/2016 - 19:31

Đồng bằng sông Cửu Long cấp bách chống mặn, giảm thiệt hại

Diện tích lúa thất thu hoàn toàn vì xâm nhập mặn. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Trước tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng nặng, lan rộng khắp các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn đã và đang cấp bách thực hiện các giải pháp phòng chống hạn, mặn nhằm giảm thiệt hại trong sản xuất, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.

Tại hội nghị phòng chống hạn, mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra ở thành phố Cần Thơ, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết toàn tỉnh hiện có 34.000ha lúa bị thiệt hại do nhiễm mặn. Con số này có thể sẽ còn tăng thêm nếu nắng nóng tiếp tục trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, từ tháng 10/2015, tỉnh Kiên Giang ban hành Chỉ thị phòng, chống thiên tai xâm nhập mặn và sau đó ban hành kế hoạch cụ thể để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện phòng chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Tỉnh đã tích cực tuyên truyền cho người dân về tình hình hạn mặn để có kế hoạch phòng chống; chỉ đạo vận hành hệ thống cống ngăn mặn ven biển Tây hợp lý như đóng cống sớm hơn cùng kỳ, triển khai đắp 82 đập ngăn mặn thời vụ ở các địa phương với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Tỉnh cũng chỉ đạo các huyện tiến hành rà soát lại hệ thống kênh mương và có kế hoạch nạo vét (mặc dù chưa được ứng vốn) để dự trữ nước, dẫn ngọt phục vụ sản xuất.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp sớm hoàn thành các công trình thủy lợi phục vụ kiểm soát ngăn mặn, theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn để lấy nước cung cấp các hồ chứa phục vụ nhân dân ở các vùng nhiễm mặn; thay đổi lịch thời vụ sản xuất lúa, xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân, vụ mùa. Đồng thời, tỉnh cũng đã có kế hoạch hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân ở các vùng biển, hải đảo bằng cách hỗ trợ các phương tiện để người dân trữ nước.

Còn tại Cà Mau, theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, diện tích đất trên địa bàn bị nhiễm mặn là rất lớn, trong đó đáng lo nhất là vùng sinh thái ngọt trong khu vực rừng tràm cũng có nguy cơ bị nhiễm mặn trong thời gian tới.

Do mặn tấn công, tổng diện tích lúa mùa sản xuất trên nền đất nuôi tôm của tỉnh bị thiệt hại trên 18.000ha với mức độ thiệt hại từ 30-100%, chiếm 50% diện tích lúa trên đất nuôi tôm. Diện tích lúa Đông Xuân của tỉnh tính đến ngày 15/2/2016 cũng bị thiệt hại trên 10.400ha, chiếm 28% tổng diện tích lúa Đông Xuân...

Trước tình hình xâm nhập mặn tăng nhanh, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo đóng các đập ngăn mặn sớm hơn cùng kỳ 1 tháng để ngăn mặn, trữ ngọt. Tuy nhiên, do nắng nóng, nước bốc hơi nhanh nên mức nước ngọt hiện nay dưới chân rừng tràm đã thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,3 mét dẫn đến nguy cơ nhiễm mặn và cháy rừng tràm rất cao. Độ mặn tăng cao cũng ảnh hưởng rất lớn đến vùng nuôi tôm của tỉnh.

Giải pháp phòng chống hạn, mặn của Cà Mau là tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống hạn mặn cho người dân và các địa phương, tích cực tập huấn, hướng dẫn chuyển giao công nghệ kỹ thuật trong sản xuất mô hình lúa tôm, hướng dẫn kỹ lịch thời vụ và bố trí cây trồng cho phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng vùng.

Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình kênh mương để ngăn mặn, chống mặn tràn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, kiểm tra các công trình cống đập kênh mương để có kế hoạch tu sửa nạo vét...

Riêng đối với tỉnh Hậu Giang, mặc dù không tiếp giáp với biển nhưng chưa có năm nào xâm nhập mặn lại nghiêm trọng như năm nay.

Theo ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, năm nay tỉnh bị xâm nhập mặn từ 2 phía, cả biển Tây, biển Đông và lần đầu tiên thị xã Ngã Bảy bị xâm nhập mặn. Huyện Long Mỹ, thị xã Vị Thanh, huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy đều bị xâm nhập mặn tấn công cả phía Đông và phía Tây với nồng độ mặn cao từ 3 đến 12 phần ngàn.

Theo ông Chánh, nếu không có giải pháp công trình và phi công trình triển khai đồng bộ trong thời gian tới thì Hậu Giang sẽ mất trắng 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đồng thời nếu đất sản xuất bị nhiễm mặn thì đến 10 năm sau cũng không thể cải tạo lại được. Mặn đã gây thiệt hại khoảng 400ha lúa Đông Xuân trong giai đoạn đang ngậm sữa.

Tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống hạn mặn, đảm bảo nước sinh hoạt và ăn uống cho người dân; đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, cảnh báo để người dân biết tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, có những giải pháp tích trữ nước để tưới tiêu, tiết kiệm nước sinh hoạt, đảm bảo cuộc sống.

Tỉnh Hậu Giang cũng chỉ đạo cơ quan chức năng và các địa phương kiểm soát lịch thời vụ sản xuất vụ lúa Hè Thu, đồng thời tổ chức khoan 6 giếng ngầm để phục vụ nước sinh hoạt và một phần nước sản xuất cho người dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, tình hình hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang như một tình huống thiên tai ở mức cấp 1, cấp 2 và là một trận thiên tai nghiêm trọng gần 100 năm nay mới có.

Để phòng chống hạn mặn, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường tổ chức quan trắc để có thông tin thường xuyên, liên tục cung cấp đến từng huyện, từng xã và thông báo cho người dân biết. Chính quyền các cấp phải có kế hoạch cụ thể từ nay đến hết tháng 6/2016 để ứng phó với hạn mặn, cấp nước sinh hoạt, nước ngọt cho người, gia súc, cho sản xuất và các dịch vụ.

Dặm lúa Đông Xuân tại tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cho ứng ngay ngân sách để các địa phương làm các công trình thủy lợi ngăn mặn, không phải chờ phê duyệt dự án như trước đây; đồng thời tập trung các nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn huy động các doanh nghiệp và toàn xã hội để triển khai thực hiện các công trình chống biến đổi khí hậu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có việc phòng chống xâm nhập mặn.

Phát biểu tại hội nghị phòng chống hạn, mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao những nỗ lực tích cực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương trong vùng đã chủ động triển khai các giải pháp phòng chống hạn, mặn nhằm giảm nhẹ thiệt hại cho người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và các địa phương chỉ đạo các giải pháp phòng chống hạn, mặn có hiệu quả, đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt và nước sản xuất cho người dân. Các bộ, ngành cũng cần có các biện pháp bài bản, lâu dài, phù hợp, thích nghi với biến đổi khí hậu để triển khai cho vùng trong thời gian tới.../. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết