Chị Y. đóng học phí lái xe cả năm trời nhưng chỉ được học đúng một buổi, trung tâm liên tục tư vấn đóng thêm tiền - Ảnh: H.H.
"Hứa một đằng, làm một nẻo"
Tháng 3/2023, chị Y. đến Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Sài Gòn (phường Linh Đông, TP Thủ Đức) đăng ký khóa học lái xe hạng B1 và nộp đủ học phí trọn gói (học phí hơn 12,1 triệu đồng và phí khám sức khỏe 315.000 đồng).
Nhân viên tại đây tư vấn học viên nên đóng đủ ngay để không phát sinh chi phí (trừ trường hợp tập dượt sân trước khi thi), cam kết xếp lịch học cho chị Y. bắt đầu từ tháng 4/2023.
Tuy nhiên, chị Y. đợi quá lâu vẫn không thấy báo lịch học liền gọi tới trung tâm nhưng phía trung tâm liên tục ậm ừ không chốt lịch được.
Sau quá nhiều lần chị Y. gọi và "năn nỉ", trung tâm này bố trí cho chị học được một buổi tập trên cabin giữa tháng 8/2023.
Đồng thời nhân viên thông báo có quy định mới, chị Y. phải đóng thêm tiền, phí học một buổi tập cabin là 450.000 đồng.
Chị Y. vẫn đồng ý đóng thêm tiền học trên cabin nhưng từ đó đến nay không được học thêm buổi nào nữa.
Đến trước Tết Giáp Thìn, trung tâm bất ngờ thông báo vì họ bị "thanh tra tài khoản cũ" nên không có kinh phí để đào tạo cho các khóa năm 2023. Họ càng không có kinh phí đào tạo hàng loạt, nếu muốn học xong sớm thì phải đóng thêm 4,7 triệu đồng.
Trung tâm sẽ chuyển chị qua học và thi ở tỉnh Bình Dương.
"Khi phát hiện trung tâm "hứa một đằng, làm một nẻo", tôi đã liên hệ phía trung tâm xin rút lại học phí nhưng bị từ chối. Ban đầu trong hợp đồng ghi danh nêu rõ thời gian đào tạo cho hạng B1 chỉ từ 5-7 tháng. Đến nay đã hơn một năm, học viên chỉ học được đúng một buổi và yêu cầu đóng thêm tiền. Vậy tiền của tôi đã đi về đâu", chị Y. bức xúc.
Cơ quan chức năng nói gì?
Ngày 23/2, Tuổi Trẻ Online tìm đến địa điểm nơi chị Y. đã đăng ký tại TP Thủ Đức nhưng văn phòng này đã đóng cửa từ lâu. Người dân sống xung quanh đều lắc đầu không biết bất cứ thông tin nào liên quan đến trung tâm chị Y. cung cấp.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, đại diện Phòng quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe Sở Giao thông vận tải TP.HCM khẳng định đã tiếp nhận phản ánh và lập tức xác minh để làm rõ cho người dân.
Đơn vị yêu cầu Trung tâm giáo dục nghề nghiệp lái xe Sài Gòn trên địa bàn TP.HCM kiểm tra trong hệ thống dữ liệu thì học viên P.Y. hoàn toàn không có trong cơ sở dữ liệu tuyển sinh. Ngoài ra, hợp đồng mà chị Y. cung cấp không phải do trung tâm này phát hành.
"Thời gian qua, người dân liên tục phản ảnh về một số địa điểm, phòng ghi danh giả mạo tư vấn tuyển sinh, đào tạo lái xe và thu tiền học phí không đúng quy định.
Thậm chí có nơi thu học viên hàng chục triệu đồng rồi không tổ chức đào tạo khiến người dân rất bức xúc. Trong những trường hợp này, người dân nên tập trung hồ sơ và trình báo cơ quan công an để được hỗ trợ xử lý theo đúng thẩm quyền", vị này khuyến cáo.
Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng thông tin danh sách trung tâm dạy lái uy tín do đơn vị quản lý được đăng tải đầy đủ trên website của sở này cho người dân tham khảo, chọn lựa.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã có văn bản đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức siết kiểm tra, xử lý văn phòng tuyển sinh đào tạo lái xe giả mạo trên địa bàn TP.HCM.
Đây cũng là chỉ đạo của UBND TP.HCM nhằm tăng cường quản lý, phòng chống tiêu cực, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe.
Sở mong muốn UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo đơn vị chức năng có liên quan chủ trì, lập kế hoạch phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp mở điểm tư vấn tuyển sinh, tư vấn đào tạo lái xe trái phép.
Điều này nhằm hạn chế tình trạng người dân chưa tìm hiểu kỹ "sập bẫy"./.
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/dong-gan-20-trieu-hoc-lai-xe-ca-nam-moi-biet-bi-lua-dao-20240225154043953.htm