Tiếng Việt | English

27/12/2022 - 21:00

Đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế

Nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Long An gắn tín dụng chính sách với các hoạt động phát triển KT-XH ở địa phương như chuyển giao khoa học - kỹ thuật và công nghệ, các chương trình khuyến nông, dự án,... Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Những năm qua, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh là địa phương phát triển mạnh về cây sầu riêng. Nhiều nông dân có ý định chuyển từ đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng sầu riêng nhưng thiếu vốn. Nắm bắt nhu cầu này, UBND xã xây dựng Dự án Trồng sầu riêng, diện tích 15ha với 17 hộ tham gia. Tổng vốn thực hiện dự án là 2,4 tỉ đồng, trong đó, vốn của các hộ tham gia dự án là 850 triệu đồng, còn lại là vốn của Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Tân Thạnh, thời gian vay 36 tháng, từ năm 2022-2025, lãi suất 0,66%/tháng.

Anh Hồ Thanh Tùng bên vườn sầu riêng

Anh Hồ Thanh Tùng (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) là một trong những hộ tham gia dự án trồng sầu riêng. Theo đó, anh vay 100 triệu đồng từ PGD NHCSXH huyện Tân Thạnh để chuyển đổi 0,7ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng gần 130 gốc sầu riêng. Chi phí đầu tư ban đầu khoảng 150 triệu đồng từ việc lên mô, mua cây giống đến làm đường nước. Anh Tùng cho biết: “Chi phí đầu tư cho cây sầu riêng rất cao, bình quân từ khi trồng đến thu hoạch trên 7 triệu đồng/cây. Nhờ NHCSXH cho vốn vay, tôi mới mạnh dạn chuyển đổi”.

Được biết, hiện nay, tổng nguồn vốn của PGD NHCSXH huyện ủy thác tại địa bàn xã Tân Lập trên 26 tỉ đồng, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Nguyễn Mạnh Cang cho biết: “Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nhiều nông dân chuyển đổi sang trồng sầu riêng, mít, vú sữa hoàng kim và các dự án chăn nuôi khác. Từ đó, đời sống người dân không ngừng nâng lên, góp phần cho xã về đích nông thôn mới nâng cao”.

Bà Phan Thị Phương Khanh (bìa phải) nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà có điều kiện trồng mai một cách bài bản

Tại Làng nghề trồng mai xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa), nhiều hộ dân nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách cũng mạnh dạn đầu tư trồng cây mai vàng một cách bài bản, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, áp dụng kỹ thuật tạo dáng bonsai, góp phần nâng cao giá trị cây mai, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.

Đơn cử như trường hợp của bà Phan Thị Phương Khanh, vay 80 triệu đồng từ PGD NHCSXH huyện Thạnh Hóa, bà có thêm kinh phí để duy trì chăm sóc trên 3ha mai vàng. Bà Khanh cho hay: “Trước đây, gia đình chỉ trồng mai theo kiểu tự nhiên, không biết chăm sóc, tạo dáng bonsai nên mai bán không có giá. Được vay vốn, tôi đầu tư vào vườn mai. Tôi thuê người tỉa tàn, nhánh, tạo dáng mai; mua phân bón, thuốc trừ sâu để chăm sóc cây. Nhờ vậy, mai bán được giá hơn”.

Trong năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh tập trung cho vay theo các dự án trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, chương trình Mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ vốn cho người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19,… với tổng số tiền gần 200 tỉ đồng; tạo việc làm cho 3.500 lao động. Qua đó, khẳng định tín dụng chính sách là một trong những trụ cột của hệ thống các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết