Tiếng Việt | English

18/01/2022 - 16:25

Hiệu quả từ mô hình thanh niên phát triển kinh tế

Thời gian qua, các cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện Cần Đước, tỉnh Long An triển khai hiệu quả nhiều mô hình, tổ hợp tác (THT), câu lạc bộ (CLB) thanh niên phát triển kinh tế nhằm giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tại địa phương,...

Tổ hợp tác May gia công túi xách xã Long Định có 7 thành viên, lợi nhuận 70 triệu đồng/năm (Ảnh tư liệu)

Tổ hợp tác May gia công túi xách xã Long Định có 7 thành viên, lợi nhuận 70 triệu đồng/năm (Ảnh tư liệu)

Tạo việc làm, thu nhập ổn định

Đến nay, toàn huyện có 16/17 xã, thị trấn có THT thanh niên. Năm 2021, Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của 16 THT thanh niên. Theo đó, tùy vào điều kiện từng địa phương, các cơ sở Đoàn triển khai các mô hình phù hợp, tiêu biểu như THT Dịch vụ ăn uống xã Phước Đông có 13 thành viên, lợi nhuận hơn 250 triệu đồng/năm; THT May gia công túi xách xã Long Định có 7 thành viên, lợi nhuận 70 triệu đồng/năm; THT Trang trí sự kiện xã Long Sơn có 10 thành viên, lợi nhuận 150 triệu đồng/năm;... Nhìn chung, các THT thanh niên hoạt động hiệu quả, giúp các thành viên có việc làm, thu nhập ổn định.

Phó Bí thư Huyện Đoàn Cần Đước - Đặng Vũ Khánh cho biết: “Để đồng hành cùng ĐVTN trong phát triển kinh tế, những năm qua, Ban Thường vụ Huyện đoàn luôn quan tâm, sâu sát và định hướng cho thanh niên tận dụng thế mạnh sẵn có tại địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở Đoàn đẩy mạnh hoạt động các tổ vốn do Đoàn quản lý hỗ trợ các THT vay để giúp ĐVTN có thêm nguồn lực tiếp tục phát triển mô hình, truyền cảm hứng “lập thân, khởi nghiệp” cho tất cả ĐVTN trên địa bàn huyện. Huyện đoàn còn thường xuyên phối hợp ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi giúp ĐVTN có thêm kinh nghiệm trong sản xuất”.

Nhằm tiếp tục tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh và mối liên kết về kinh tế giữa ĐVTN có ý chí vươn lên làm giàu, thời gian qua, CLB Thanh niên phát triển kinh tế do Huyện đoàn Cần Đước phát động đã phát huy hiệu quả thiết thực. “Năm 2021, Huyện đoàn kiện toàn CLB Thanh niên phát triển kinh tế huyện với 18 thành viên. Hiện toàn huyện có 18 CLB (1 CLB Thanh niên phát triển kinh tế huyện và 17 CLB của xã, thị trấn). Sau thời gian thành lập và đi vào hoạt động, hiện các CLB phát huy hiệu quả. Hoạt động CLB thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp, thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ” - Phó Bí thư Huyện đoàn Cần Đước - Đặng Vũ Khánh cho biết thêm.

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Việc thành lập CLB được xem là cách làm hay, sáng tạo, trở thành điểm sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Chúng tôi có dịp tham quan Cơ sở sản xuất ống hút cỏ bàng Miền Tây Xanh (ấp Đông Trung, xã Tân Chánh) của anh Bùi Thành Được - Phó Chủ nhiệm CLB Thanh niên phát triển kinh tế huyện, trong một chuyến công tác. Với ý chí, nghị lực của tuổi trẻ, sự động viên của gia đình, sự quan tâm của các tổ chức trên địa bàn cùng mơ ước phát triển kinh tế, anh Bùi Thành Được quyết tâm lập nghiệp tại quê hương.

Hiện trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh Được sản xuất khoảng 2 triệu ống hút cỏ bàng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động tại địa phương. Được biết, ống hút cỏ bàng là một trong những sản phẩm OCOP của huyện Cần Đước và được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, tỉnh 2021.

Là sản phẩm thân thiện với môi trường nên ống hút cỏ bàng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện ống hút cỏ bàng của anh Được có mặt tại các nhà hàng, khách sạn, chuỗi cửa hàng tiện ích của San Hà, đặc biệt là 80% sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,...

Anh Bùi Thành Được chia sẻ: “Tham gia CLB, các thành viên được chia sẻ về tổng quan hệ sinh thái khởi nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin vào dự án khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp, thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời, thiết lập, kết nối các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các mô hình khởi nghiệp thành công. Qua đó, hỗ trợ cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp có đổi mới, sáng tạo mới, thành lập kênh truyền thông giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường”.

Việc triển khai hiệu quả các mô hình, THT, CLB thanh niên phát triển kinh tế góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho ĐVTN. Qua đó, khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong đời sống thanh niên, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong phát triển KT-XH địa phương, tạo thuận lợi trong việc thu hút, tập hợp thanh niên./.

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết