Phụ huynh học cùng con
Cứ đều đặn vào thứ sáu hàng tuần, phụ huynh của N.H.Â. (phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) lại đưa cháu đến lớp can thiệp sớm. Phòng học chỉ có 3 người gồm cô giáo, phụ huynh và em N.H.Â. Theo quan sát, cô giáo vừa lặp đi lặp lại động tác xếp hình, vừa nhỏ nhẹ hướng dẫn H.Â. làm theo. Và khi H.Â. bắt chước được động tác xếp hình, phụ huynh và cô giáo liền vỗ tay khen ngợi, vì em có sự tương tác với giáo viên (GV).
Phụ huynh em N.H.Â. cho biết: “Cháu tiến bộ, biết nghe gọi tên, làm theo động tác của cô giáo, gia đình phấn khởi lắm! Trước đây, cháu không bao giờ nhìn vào mắt người khác, gọi tên cũng không quay lại, không nói chuyện với ai cả, cũng chẳng biết kiềm chế cảm xúc của bản thân, khi muốn lấy bất cứ thứ gì cũng chỉ biết khóc, la hét”.
Phụ huynh đưa trẻ đến các lớp can thiệp sớm
Tương tự trường hợp em N.H.Â., mẹ em H.N.H. (huyện Châu Thành) cảm thấy rất vui khi nhìn con tiến bộ, biết nói tiếng “ăn” đầu tiên sau hơn 2 tháng tham gia lớp can thiệp sớm tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh. Mẹ em N.H. nói: “Khi đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng, nghe bác sĩ thông báo con bị tự kỷ, vợ chồng tôi sốc lắm, tự trách bản thân chỉ lo công việc, không quan tâm đến con. May mắn thông qua người quen, tôi biết được Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh có nhận can thiệp sớm đối với trẻ mắc chứng tự kỷ. Một tuần GV chỉ dạy 1 tiết, trong đó, GV chỉ đóng vai trò hướng dẫn, do đó, cha mẹ phải đồng hành cùng GV nên tôi quyết định nghỉ việc ở nhà chăm sóc con. Khi đồng hành cùng con, cha mẹ đừng quá nôn nóng mong chờ sự tiến bộ, chỉ cần con không quậy phá, biết bày tỏ cảm xúc, biết nói lên nhu cầu là hạnh phúc lắm rồi!”.
Tự kỷ là nỗi đau, sự khủng hoảng rất lớn cho bất cứ gia đình nào có con em mắc phải. Nhưng sau tất cả, họ nhận ra chỉ có tình yêu thương, sự kiên nhẫn, đồng hành cùng con là cách duy nhất giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.
Còn nhiều khó khăn
Tại Long An, chỉ có duy nhất Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật mở các lớp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ nên chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của phụ huynh. Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh - Huỳnh Đăng Quang thông tin: “Trường đang nhận can thiệp sớm cho 95 trẻ mắc chứng tự kỷ với 4 GV dạy can thiệp sớm, bình quân mỗi GV dạy từ 22-25 trẻ. Ngoài ra, hiện có 25 phụ huynh nộp hồ sơ để con tham gia các lớp học can thiệp sớm nhưng trường chưa thể nhận, vì các GV đã quá tải”.
Một khó khăn khác là việc thiếu giáo trình và các bộ dụng cụ chuyên dạy can thiệp sớm, hầu như không có các khóa đào tạo ngắn hạn để các GV cập nhật kiến thức. Cô Trần Thị Mộng Tuyền (GV Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh) cho biết: “Ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc,... trẻ được GV mầm non và bác sĩ Nhi khoa theo dõi sự phát triển sát sao. Khi có nghi ngờ về hội chứng tự kỷ, họ sử dụng test (kiểm tra) dưới dạng các bảng hỏi để đánh giá sơ bộ, sau đó là các biện pháp chuyên sâu để khẳng định trẻ có mắc hay không. Ở Việt Nam, chương trình đào tạo GV mầm non cũng như tiểu học chưa đề cập sâu về các test sàng lọc trẻ chậm phát triển trí tuệ. Ngoài ra, đa số các bộ dụng cụ dạy can thiệp sớm đều do GV tự làm, ở Việt Nam rất ít mở các khóa đào tạo cập nhật kiến thức cho GV về can thiệp sớm đối với trẻ em tự kỷ. Hy vọng, thời gian tới, các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo các GV dạy can thiệp sớm”.
Việc phát hiện và can thiệp sớm đóng vai trò quan trọng đến sự hòa nhập của trẻ tự kỷ với cộng đồng. Do đó, hành trình can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ cần phải có sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò then chốt./.
Lê Ngọc