Cơ sở chế biến cá bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường chưa đặt biển hiệu. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Tuy chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định, trong đó có thủ tục về môi trường nhưng một cơ sở chế biến cá ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, phát tán mùi hôi thối ra xung quanh khiến người dân địa phương bức xúc vì cuộc sống bị ảnh hưởng.
Cơ sở chế biến cá này chưa đặt biển hiệu, nằm gần khu vực đông dân cư, cổng trước giáp đường Tỉnh 850, phía sau tiếp giáp kênh cầu Tư Dần. Theo người dân địa phương, cơ sở hoạt động hơn 1 tháng qua, chủ yếu là chế biến cá điêu hồng.
Nước thải từ hoạt động chế biến cá được xả ra kênh cầu Tư Dần bằng ống nhựa khá to. Mỗi khi nước ròng (thủy triều xuống), mực nước dưới kênh cầu Tư Dần thấp thì thấy rõ nước có màu đen, kèm theo mùi hôi thối phát ra từ cơ sở chế biến cá này.
Chị Đinh Thị Trúc Nguyên, trú tại ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh cho hay, nhà chị ở cách cơ sở chế biến cá khoảng 30m. Hằng ngày, chị ở nhà làm nghề đan lục bình nên thường xuyên phải hít thở mùi thối khó chịu từ cơ sở.
Chị Trương Ngọc Bích cũng ở gần cơ sở chế biến cá cho biết, trong quá trình hoạt động, cơ sở thải ra nước có mùi hôi thối như mùi cá chết, rất khó chịu. Người dân đã nhiều lần liên hệ với người đại diện của cơ sở để phản ánh nhưng chưa liên hệ được.
Anh Lâm Tấn Hóa, trú tại ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh cho hay, cơ sở chế biến cá có đặt ống nhựa để xả nước thải xuống kênh cầu Tư Dần. Những khi nước dưới kênh cạn thì thấy rõ nước thải ra có màu đen và mùi hôi thối bốc lên, rất khó chịu.
Nước có màu đen, kèm mùi hôi thải ra từ cơ sở chế biến cá. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhiều khi đi làm về mệt lại phải ngửi mùi hôi thối khiến anh ăn không ngon, ngủ không yên. Tình trạng này chỉ xảy ra từ khi cơ sở chế biến cá hoạt động.
Điều khiến anh Hóa và nhiều người dân ở ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh lo lắng là cơ sở hoạt động lâu dài, nếu không có giải pháp khắc phục hiệu quả thì cuộc sống người dân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nguồn nước dưới kênh cầu Tư Dần có nguy cơ ô nhiễm, trong khi vẫn còn nhiều hộ dân sử dụng nguồn nước dưới con kênh này phục vụ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.
Bà Nguyễn Thị Bé Hai, xã Bình Thạnh chia sẻ, bà rất ủng hộ việc có cơ sở hoạt động, kinh doanh trên địa bàn nhưng bà mong muốn cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống người dân.
Theo Ủy ban Nhân dân xã Bình Thạnh, cơ sở chế biến cá bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường là Cơ sở Quốc Huấn, do ông Lữ Trần Ngọc Vinh quản lý.
Ngày 07/6/2024, lãnh đạo xã đã có buổi làm việc với người quản lý của cơ sở, yêu cầu khi chế biến cá phải thường xuyên kiểm tra, xử lý nước thải, không để phát tán mùi hôi làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân lân cận, nhất là những hộ đang sử dụng nguồn nước dưới kênh cầu Tư Dần phục vụ sinh hoạt.
Ông Huỳnh Tuấn Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh cho biết thêm, Ủy ban Nhân dân xã cũng hướng dẫn người đại diện cơ sở thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau đó, cơ sở vẫn tiếp tục để phát ra mùi hôi thối trong quá trình hoạt động.
Gần đây, Ủy ban Nhân dân xã Bình Thạnh tiếp tục mời đại diện cơ sở đến làm việc và yêu cầu cam kết khắc phục tình trạng xả nước thải có mùi hôi thối ra kênh cũng như hoàn thiện, cung cấp đầy đủ các giấy tờ, thủ tục được phép hoạt động.
Nếu thời gian tới, cơ sở này không cung cấp đầy đủ thủ tục pháp lý, Ủy ban Nhân dân xã sẽ lập biên bản, gửi về Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Lãnh để xử lý theo quy định./.
Theo Vietnam+
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dong-thap-co-so-che-bien-ca-vua-hoat-dong-da-gay-o-nhiem-moi-truong-post963146.vnp