Nhiều năm nay, gia đình bà Phan Thị Nhi, cũng như nhiều người dân khác ở ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp phải sống chung với bầu không khí ngột ngạt bởi khói bụi thường xuyên bốc ra từ các nhà máy xay xát, lau bóng gạo. Hàng ngày bà Nhi phải thường xuyên quét dọn, che chắn nhưng vẫn không sao né được bụi bay vào nhà: "Từ ngày có nhà máy đến giờ rất bụi, quét nhà xong lại bụi, đầu trấu bay quá nhiều. Đã mấy năm nay người dân phải chịu đựng cảnh này".
Bụi phủ kín tại khu vực hoạt động xay xát lúa gạo.
Tại xã Đông Hòa Hiệp hiện có hơn 60 cơ sở xay xát, lau bóng gạo có công suất lớn. Người dân phản ánh 2 nhà máy của doanh nghiệp tư nhân Phú Thư, Doanh nghiệp tư nhân Đức Thịnh (tại ấp An Lợi) xảy ra khói bụi, đầu trấu... thường xuyên nhất, làm đảo lộn cuộc sống của người dân khu vực, nhất là gây bệnh viêm đường hô hấp. Một số người dân địa phương đã có đơn kiến nghị đến chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Tình hình lưu thông khu vực có nhiều doanh nghiệp xay xát lúa gạo tại xã Đông Hòa Hiệp rất phức tạp do xe tải ra vào thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè cho biết, qua đo đạc tình trạng ô nhiễm nằm trong mức cho phép nên từ trước đến nay chưa xử phạt trường hợp nào: "Trước đây có phối hợp với Phòng Tài nguyên- Môi trường vào xử lý. Phòng Tài nguyên- Môi trường đã thuê một đơn vị độc lập xuống đo nhưng kết quả đo không nằm trong giới hạn để xử lý. Hàng tháng, hàng quý chúng tôi đều đến gặp các doanh nghiệp trao đổi, cho doanh nghiệp làm cam kết. Về hồ sơ thủ tục các doanh nghiệp có hết, có giấy phép, giấy bảo vệ môi trường... Địa phương sẽ báo cáo UBND huyện để xem xét hỗ trợ chứ chúng tôi chỉ đến nhắc nhở thôi”.
Toàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có hơn 200 nhà máy xay xát, lau bóng gạo, lò sấy lúa các loại. Mỗi ngày, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cung ứng ra thị trường hơn 2.000 tấn gạo. Vấn đề ô nhiễm không khí từ các nhà máy xay xát, lau bóng gạo đã xảy ra từ lâu. Chủ trương của huyện là sẽ di dời các cơ sở này vào khu công nghiệp An Thạnh 2, nhưng quỹ đất đang gặp khó khăn nên chưa thể thực hiện.
Ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết thêm: "Nói chung hàng năm đều có tổ chức tuyên truyền, kiểm tra về môi trường. Nếu nơi nào không đảm bảo thì đề nghị khắc phục, nếu không khắc phục thì xử lý. Ở đây chúng tôi cố gắng tuyên truyền, vận động nhưng đây đó vẫn còn rò gỉ, bụi vẫn bay ra môi trường, người dân vẫn phản ánh. Di dời, chúng tôi vẫn làm được, nhưng hiện nay cụm Công nghiệp 2 đã có mở được một số doanh nghiệp vô đó rồi, nhưng do thu hồi đất của người dân giá cả hiện nay do doanh nghiệp tự thỏa thuận mà chưa làm được, địa phương đang gặp khó khăn".
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà hiện nay nhiều doanh nghiệp xay xát lúa gạo trên địa bàn xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè tổ chức phương tiện vận chuyển hàng hóa với trọng tải lớn, gây hư hỏng các tuyến đường trọng yếu. Qua đó, đã gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và dẫn đến tai nạn giao thông khi các ổ gà, ổ voi xuất hiện tràn lan trên mặt đường. Những tồn tại trên, cần được chính quyền và các ngành chức năng huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang quan tâm, xử lý để người dân địa phương giảm bớt khó khăn trong cuộc sống./.
Theo VOV