Vùng đất khó
Hơn 30 năm trước, ĐTM của Long An là vùng đất hoang hóa, chưa có “sức sống” bởi đất hoang còn nhiều, được bao phủ bởi cỏ năn, cỏ mồm, tràm gió và lúa mùa trồng 1 vụ/năm với năng suất bấp bênh.
Hệ thống thủy lợi kết hợp giao thông ngày càng phát triển
Ông Nguyễn Văn Thăng, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, nhớ lại: “Hồi xưa, ở đây hoang sơ lắm, dân sống rải rác ven bìa rừng. Suốt 6 tháng nước nổi, cả vùng ngập chìm trong biển nước mênh mông, nhiều nơi ngập sâu tới 2-3m. Còn mùa khô hết sức khắc nghiệt, nắng nóng nung người, đất dậy phèn đỏ quạch, nước ngọt không có mà uống”.
Còn về sản xuất, ông Thăng kể rằng, mấy vụ đầu khi cây lúa vừa mọc quá gang tay thì gặp mưa, đất dậy phèn, chết sạch, phải lấy lúa dự trữ gieo sạ lại. Có năm, lúa trong nhà không còn một hột mà cây lúa ngoài đồng vẫn không mọc nổi. Lắm khi lúa chín chưa kịp mừng thì chuột cắn nát, nhìn đám ruộng tan hoang, ai nấy chỉ biết ôm mặt khóc ròng. Đất phèn, thiếu nước ngọt, lũ lụt và dịch hại hàng năm khiến rất nhiều hộ đi khai hoang, mở đất đành phải buông tay, bỏ đất, bỏ ruộng, trở về trong đói khổ, dù họ rất nỗ lực.
Mặc dù sự khốn khó ấy là của hơn 30 năm trước nhưng bây giờ, khi nhắc đến chuyện khai hoang, ông Nguyễn Hữu Khanh (62 tuổi), ngụ xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, vẫn còn ám ảnh. Ông kể: “Năm 1988, tôi cùng nhiều bà con ở xã Đức Tân xách túi đệm đựng gạo, vác cuốc lên huyện biên giới Vĩnh Hưng khai hoang, lập nghiệp. Cố gắng bám trụ suốt mấy năm trời, đất vẫn trơ trơ, không trồng cây gì được”.
Trạm bơm điện được đầu tư, phát triển khá nhanh
Ông Khanh nói, vùng đất Tân Hưng, Vĩnh Hưng ngày ấy rất hoang sơ, cỏ mọc cao khỏi đầu người. Đất đai bị nhiễm phèn nặng, chỉ có cỏ năn, cỏ lác và tràm gió mới sống nổi. ÐTM mênh mông, bạt ngàn nhưng không có đường đi, mùa khô nắng cháy da mà không có nước ngọt để uống. Còn muỗi, đỉa thì nhiều vô kể. Đào kênh dẫn nước ngọt, đốt cỏ, vỡ đất nhưng 1 năm, 2 năm rồi 3 năm, đất đai vẫn chai ngắt, xám xịt. Trồng lúa, lúa chết; bầu, mướp cũng không sống được. Thế rồi, nhiều người lặng lẽ rời bỏ mảnh đất khắc nghiệt này, trở về quê với bàn tay trắng.
Trước tình hình tưởng chừng như không thể vượt qua, tác động mạnh đến lãnh đạo các cấp, các ngành. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh có chủ trương và ra nghị quyết tiến công khai phá vùng ĐTM của tỉnh.
Theo đó, tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ trước mắt và nhiều vấn đề có tính chiến lược: Khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tạo điều kiện chuyển lúa mùa 1 vụ dài ngày, năng suất thấp, bấp bênh sang làm lúa ngắn ngày, tăng vụ, tăng năng suất, đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, tập trung đẩy mạnh phát triển thủy lợi, giao thông hoàn chỉnh, xây dựng hệ thống điện, bưu chính - viễn thông, trường học, trạm xá, phân bố lại dân cư,...
Thực hiện các vấn đề trên, Long An quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh điều động dân cư từ các huyện phía Nam và phía Đông lên, điều động lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội kinh tế đến để xây dựng các công trình thủy lợi. Các công trình phục vụ sinh hoạt, đời sống cũng nối tiếp nhau hoàn thành,...
Vựa lúa Đồng Tháp Mười
ĐTM thực sự “trở mình” thức giấc và trở thành vựa lúa lớn sau khi Đảng, Nhà nước có chương trình khai thác vùng ĐTM từ năm 1985-1995. Từ năm 1996 trở đi, cùng với sự tiếp tục đầu tư phát triển, nhất là khoa học - kỹ thuật, ĐTM như được tiếp thêm sức mạnh, phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, toàn vùng không còn đất hoang hóa, năng suất cây trồng ngày càng tăng.
Đặc biệt những năm gần đây, năng suất lúa có nơi đạt 8-10 tấn/ha/vụ, trung bình vụ Đông Xuân đạt 6-7 tấn/ha, Hè Thu 5-6 tấn/ha, trở thành vựa lúa lớn của tỉnh và cả nước.
Ông Nguyễn Văn Thăng phấn khởi tâm sự, hiện nay, gia đình ông canh tác hơn 30ha đất sản xuất lúa 2 vụ. Mỗi năm, trừ chi phí sản xuất, ông lãi khoảng 1 tỉ đồng.
“Nhờ Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi, những dòng kênh xanh rửa phèn, làm cho năng suất tăng lên gấp 3-5 lần, mang đến cho nông dân những mùa vàng bội thu. Ngày trước, chưa có kênh, năng suất cao nhất khoảng 2 tấn/ha, chỉ làm được 1 vụ, thì nay, năng suất 7-8 tấn/ha/vụ là bình thường và hàng năm, có nhiều diện tích sản xuất lúa 3 vụ, góp phần tăng năng suất và sản lượng’’ - ông Thăng nói.
Chuyển giao khoa học - kỹ thuật với hình thức “Hội thảo đầu bờ”
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, nếu như năm 1980, sản lượng lương thực của tỉnh khoảng 500.000-600.000 tấn/năm thì đến nay, con số này đạt hơn 2,8 triệu tấn. Trong đó, khu vực ĐTM chiếm gần 2 triệu tấn, trở thành vựa lúa lớn của cả tỉnh và cả nước. Đây là kết quả của sự đầu tư đồng bộ từ kết cấu hạ tầng sản xuất, mở rộng diện tích gieo trồng các chủng loại lúa chất lượng và phẩm cấp cao, ứng dụng rộng cơ giới, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất,...
Hiện nay, ngành nông nghiệp phối hợp chính quyền các huyện tích cực vận động người dân đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng thật sự đồng bộ, hiện đại phục vụ sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tạo ra chuỗi giá trị gia tăng gắn với phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống người dân,...
Hàng năm, Đồng Tháp Mười cung cấp cho thị trường gần 2 triệu tấn lúa
Cái thời cơm không đủ no, áo không đủ ấm đã qua, kỳ tích khai hoang, phục hóa, làm lúa tăng vụ trên vùng “đất chết” ĐTM ngày nào mang lại thành quả đáng tự hào. đến bây giờ, nơi đây trở thành vựa lúa lớn của tỉnh và cả nước là nhờ bàn tay, khối óc khai phá của con người và từ chủ trương khai phá ĐTM của Đảng bộ tỉnh./.
Trung Kiên