Việc tham gia Dự án VnSat giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, cải thiện thu nhập,...
Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (gọi tắt VnSat) được Ngân hàng Thế giới tài trợ thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về lúa gạo: An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang và TP.Cần Thơ. Mục tiêu của DA nhằm chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến, thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, tăng khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo, giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong sản xuất lúa gạo, cải thiện chất lượng cuộc sống,...
Năm 2015, DA VnSat chính thức triển khai ở Long An, chọn 4 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An để thực hiện với tổng vốn đầu tư hơn 289 tỉ đồng. Đến nay, tổng diện tích vùng DA gần 49.600ha, có trên 25.000 hộ thuộc 23 xã tham gia. Khi tham gia DA, nông dân được đào tạo, tập huấn canh tác theo hướng bền vững như kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm",... góp phần thay đổi tập quán canh tác lúa từ truyền thống chuyển sang áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm cho biết: “DA VnSat ở huyện được triển khai, thực hiện trên địa bàn 6 xã, gồm: Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình, Hưng Điền A, Khánh Hưng, Vĩnh Trị và Thái Bình Trung. Khi mới triển khai DA, địa phương cũng gặp khó khăn như người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của DA; công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; nông dân tham gia DA ghi chép nhật ký sản xuất chưa đầy đủ, chưa tuân thủ quy trình canh tác,... Tuy nhiên, sau một thời gian, nông dân đã mạnh dạn tham gia, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau; áp dụng quy trình canh tác lúa bền vững theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,... Qua đó, nông dân giảm được lượng giống, lượng phân bón và số lần phun thuốc, từ đó chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng”.
Theo số liệu thống kê năm 2020, ứng dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” mang lại lợi nhuận cao hơn sản xuất truyền thống. Cụ thể, nông dân
giảm được 60kg giống/ha/vụ; lượng phân bón giảm 125kg/ha/vụ; số lần phun thuốc trừ sâu, bệnh giảm 2,5 lần/ha/vụ,... Qua đó, chi phí sản xuất thấp hơn sản xuất truyền thống trên 10 triệu đồng/ha/vụ, góp phần tăng lợi nhuận bình quân từ 16-19 triệu đồng/ha/vụ.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) - Ngân Văn Phi chia sẻ: “Sau khi triển khai DA VnSat, HTX có trên 98% diện tích áp dụng quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,... Điều quan trọng sau khi tham gia DA, nông dân đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nâng cao giá trị nông sản,...”.
Bên cạnh kết quả đã đạt, việc triển khai, thực hiện DA VnSat vẫn còn nhiều khó khăn. Nông dân còn sử dụng lượng giống chưa phù hợp; một số HTX có tỷ lệ áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” còn thấp; một số HTX chưa hoàn thành công tác liên kết để bảo đảm 100% nông sản có đầu ra; chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm lúa gạo;... Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Sau thời gian thực hiện, DA VnSat đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, chuyển từ canh tác truyền thống sang áp dụng khoa học - kỹ thuật và quy trình canh tác bền vững, từ đó lợi nhuận tăng hơn 30% trên cùng diện tích canh tác. Các địa phương tiếp tục duy trì các kết quả đến khi DA kết thúc; các HTX tích cực liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho nông sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cho nông dân, hướng đến nền nông nghiệp an toàn, bền vững”.
Với những kết quả đã đạt, DA VnSat tạo ra những bước tiến vững chắc cho ngành lúa gạo, hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân./.
Kim Ngọc