Đức Huệ hiện đã xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao đạt 1.347ha
Nhìn chung, việc triển khai, quán triệt thực hiện Chương trình số 06 được cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, tạo sự hưởng ứng, đồng thuận để cùng tham gia xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh gắn với xây dựng nông thôn mới.
Qua thời gian thực hiện, đến nay, huyện xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao đạt 1.347ha (đạt 112% so với nghị quyết), tập trung ở các xã: Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Tây, Bình Thành, Mỹ Bình, Bình Hòa Bắc. Cánh đồng lúa chất lượng cao, sử dụng giống xác nhận nên giảm lượng giống gieo sạ, giúp cây lúa sinh trưởng khỏe; đồng thời, áp dụng các biện pháp tiên tiến trong sản xuất như “1 phải, 5 giảm” nên các mô hình đều đạt hiệu quả cao, được nông dân đồng tình hưởng ứng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Mỹ Thạnh Đông, phấn khởi: “Tham gia vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao đã mang lại nhiều lợi ích cho gia đình tôi. Đặc biệt, diện tích trong vùng sản xuất chuyên canh mang lại lợi nhuận cao hơn so với bên ngoài từ 4-5 triệu đồng/ha”.
Vùng sản xuất chuyên canh cây chanh đến nay đã đạt 2.620ha (đạt 131% so với nghị quyết), chủ yếu tập trung tại các xã: Bình Hòa Nam, Bình Thành, Bình Hòa Bắc, Mỹ Bình. Điều phấn khởi là những năm qua, vùng sản xuất chuyên canh cây chanh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân lợi nhuận 160 triệu đồng/ha.
Để có được hiệu quả như trên, thời gian qua, huyện đã tập trung huy động nguồn lực từ nhiều nguồn vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật như nạo vét các tuyến kênh thủy lợi, phát triển lưới điện, trải đá nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, hoàn thiện các đê bao khép kín cho các vùng sản xuất chuyên canh với tổng kinh phí hơn 72 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư vùng sản xuất chuyên canh cây chanh hơn 19 tỉ đồng, vùng sản xuất lúa chất lượng cao hơn 53 tỉ đồng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Phạm Văn Luốc thông tin: Các ngành chuyên môn thường xuyên thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân chọn giống để tự sản xuất nguồn giống tốt tại địa phương; xây dựng các mô hình trình diễn để người dân nắm cơ bản về kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời, từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp hàng năm đã thực hiện chương trình hỗ trợ 30% giá giống lúa xác nhận cho các hộ dân trong vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ còn có chương trình hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh cho các hợp tác xã (HTX), các hộ dân thực hiện vùng sản xuất chuyên canh.
Huyện thường xuyên quan tâm củng cố, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, ưu tiên xây dựng mô hình tổ hợp tác, từng bước hình thành HTX phù hợp với quy mô sản xuất; tích cực liên kết các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản như Công ty (Cty) Cổ phần Đầu tư, Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm Ita-rice; HTX Nông nghiệp công nghệ cao An Long; Cty Giống cây trồng Hóc Môn; Cty Đất Phù Sa;... Hiện nay, huyện có khoảng 150ha lúa thơm sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Bí thư Huyện ủy - Trần Thanh Phong đánh giá: “Chương trình xây dựng vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao và vùng chuyên canh cây chanh giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện đã đạt những kết quả khả quan, góp phần thay đổi thói quen sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ và đóng góp quan trọng vào việc phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”.
Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng của chương trình xây dựng vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao và vùng chuyên canh cây chanh gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, huyện quan tâm phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác, HTX trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tích cực triển khai, thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh.
Song song đó, huyện đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là lúa và chanh; tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhằm bảo đảm sự bền vững của các vùng sản xuất chuyên canh./.
Lê Đức