Tiếng Việt | English

22/08/2015 - 20:29

Đừng để phải chung chi cho êm chuyện

Muốn thông quan phải phối hợp với 16 cơ quan. Câu chuyện thủ tục thuế, hải quan một lần nữa lại được làm nóng lên...

 

Ông Nguyễn Như Khuê phát biểu tại buổi đối thoại - Ảnh: Quang Định

Câu chuyện thủ tục thuế, hải quan một lần nữa lại làm nóng hội trường tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM với doanh nghiệp, kiều bào diễn ra sáng 21-8 ở TP.HCM.

Ông Phan Xuân Dũng, Công ty TNHH MTV Sáng tạo và nhân văn, nêu câu chuyện doanh nghiệp thường xuyên nhập mẫu vải, trong 1 thùng có 10 loại mẫu, 1 mẫu có 5-6 màu, nhưng cơ quan hải quan lại yêu cầu kiểm định theo từng mẫu rất vô lý, chưa kể khoản chi phí kiểm định không nhỏ. Ông Dũng đặt câu hỏi: Với mẫu vải có phải kiểm định hay không và với kích thước bao nhiêu thì phải kiểm định?

Trả lời câu hỏi này, ông Đinh Ngọc Thắng, cục phó Cục Hải quan TP.HCM, cho biết nếu mẫu vải trên 200m thì buộc phải kiểm định. Tuy nhiên dù là quy định như vậy nhưng hiện hải quan đã có cơ chế kiểm tra đại diện, xác suất, thậm chí miễn kiểm tra.

“Thực tế để thông quan một lô hàng trên địa bàn TP.HCM thì hải quan phải phối hợp với 16 cơ quan quản lý chuyên ngành, tức là cái gì cũng đụng. Chúng tôi chia sẻ với anh đợt tới khi các cơ quan ngồi với nhau sẽ đặt vấn đề này để bàn thảo” - ông Thắng nói.

Tại hội nghị, Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến của một số doanh nghiệp về những khó khăn mà họ gặp phải.

* Ông NGUYỄN NHƯ KHUÊ (tổng giám đốc Công ty Lotus Chemical Technology Ltd):

Đừng để phải chung chi

Doanh nghiệp tôi xuất nhập rất nhiều. Vấn đề đặt ra là khi nhập máy móc thiết bị về sản xuất, dù đã thực hiện thông quan điện tử và doanh nghiệp được vô luồng xanh, hải quan cũng có máy soi chiếu nhưng quy trình kiểm hóa rất phức tạp.

Mà kiểm hóa máy móc nghĩa là kéo máy móc của doanh nghiệp ra, máy mới mà mở ra kiểm rồi đóng lại, kiểm tra toàn container rất dễ hư máy. Chưa kể hàng phải ở lại cảng thêm khoảng năm ngày, mất chi phí lưu kho lưu bãi.

Chính vì vậy, bộ phận làm dịch vụ nói với doanh nghiệp: “Chi phí nhiều vậy thì chi cho hải quan cho đỡ mất thời gian, chứ nếu cứ đúng theo quy định thì cuối cùng anh cũng mất bao nhiêu đó tiền”.

Tôi kiến nghị cần có quy định rõ ràng, muốn kiểm hóa thì hải quan phải có thông báo rõ ràng, tránh sự lợi dụng. Lợi dụng ở đây được hiểu theo hai nghĩa, một là về phía cơ quan hải quan tranh thủ những quy định chưa rõ ràng dẫn đến nhũng nhiễu.

Hai là các công ty làm dịch vụ lợi dụng, yêu cầu mọi trường hợp doanh nghiệp đều phải chung chi nên doanh nghiệp đành “tặc lưỡi” chấp nhận cho xong chuyện.

* Ông NGUYỄN MINH ĐỒNG (giám đốc Công ty TNHH Devitec - Consult, Q.2):

Sao cho người dân vui vẻ đóng thuế

Tôi thường đi nước ngoài, mỗi lần có mua một ít đồ về. Có lần tôi mua hai bánh xe, giá trị dưới 250 USD (mức tối đa theo quy định) nhưng về đến cửa khẩu Tân Sơn Nhất

(TP.HCM), nhân viên hải quan nói giá thực đắt hơn và yêu cầu phải đi kiểm định giá. Tôi nói có hóa đơn sao phải kiểm định giá nhưng hải quan không chịu. Sau khi tranh luận khoảng 45 phút mới cho qua.

Tôi ở nước ngoài 46 năm, cũng đã tâm huyết đóng góp cho lãnh đạo ngành thuế - hải quan là làm sao để người dân đóng thuế mà vẫn vui vẻ chứ không nên để người dân bị ức chế.

Ở nước ngoài, dù thuế suất cao nhưng cứ có chi phí là được khấu trừ, như thuế thu nhập cá nhân trừ cho người dân cả những khoản như cho con đi nhà trẻ, mua sách cho con, quần áo, vay tiền mua nhà, mua xe. Như vậy người dân rất vui vẻ nộp thuế.

Ánh Hồng/Tuổi Trẻ Online

Chia sẻ bài viết