Tiếng Việt | English

15/07/2015 - 14:19

EVN luôn được “bênh” dù ghi sai chỉ số khiến hóa đơn tiền điện cao ngất

Bất chấp quyền lợi của người dân, Bộ Công thương luôn “bênh” EVN dù đơn vị này ghi sai tiền điện khiến hóa đơn cao ngất ngưởng.

Trong bài viết đăng trên báo Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm: “Thái độ Bộ Công thương là rất không sòng phẳng. Trong nhiều trường hợp việc điều hành, quản lý của EVN có vấn đề nhưng bộ này vẫn lên tiếng bảo vệ. Với vai trò quản lý ngành điện, lẽ ra Bộ phải đảm bảo khách quan chứ không phải bênh DN của mình, phải đứng về lợi ích của nền kinh tế, bảo vệ người tiêu dùng. Cho nên mới có một số vị lãnh đạo Bộ Công thương phát biểu như vừa qua, thậm chí có người nói nếu không tăng giá điện thì EVN sẽ sụp đổ”. 


Hóa đơn của khách hàng bị ghi sai lượng điện tiêu thụ - Ảnh: M.Q/Thanh Niên

Bộ “át” tiếng nói người tiêu dùng

Bà Lan bức xúc nói: “Tôi cho là Bộ Công thương đang dùng tiếng nói của mình để át đi tiếng nói của xã hội, của người tiêu dùng. Rất tiếc, ở trong những trường hợp như thế này, vai trò của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng quá yếu, không lên tiếng bảo vệ khách hàng của EVN. Trong khi có những hiệp hội chuyên ngành như Hiệp hội Năng lượng VN cũng không có ý kiến gì do có những lợi ích bị chi phối từ EVN. Họ cũng là những người từ EVN ra, nghỉ hưu đi làm hiệp hội thì họ cũng nói tiếng nói của EVN thôi”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận xét việc Bộ Công thương cùng tiếng nói với EVN trong những vụ việc như trên cho thấy không có sự khác nhau giữa 2 cơ quan này. Từ đợt tăng giá điện tháng 3.2015 đến vấn đề hóa đơn tiền điện hiện nay, rõ ràng Bộ Công thương có dấu hiệu đứng ra bảo vệ lợi ích cho EVN. Vì vậy, để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, cần phải thay đổi cấu trúc, cách thức quản lý EVN.

“Với EVN, về trung và dài hạn, cần chia tách tập đoàn này. Cần phải tách hệ thống truyền tải khỏi sản xuất, đây là hệ thống độc quyền tự nhiên nhà nước phải vận hành nó, để người sản xuất và người tiêu dùng có quyền bình đẳng như nhau và thuận lợi tiếp cận hệ thống truyền tải. Giá cả của nó phải là giá dịch vụ công ích”, ông Cung đề xuất.


Để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, cần phải thay đổi cấu trúc, cách thức quản lý EVN

EVN ghi sai số, hóa đơn điện ngất ngưởng

Theo thông tin trên báo Tiền Phong, một hộ gia đình (đề nghị không nêu tên) ở đường Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Vừa phát hiện một trường hợp ghi sai số điện tháng 6 của gia đình.

Theo hộ gia đình này cho biết, ngày 5/7, sau khi nhân viên ghi chỉ số điện, chiều 6/7, họ kiểm tra lại công tơ và chỉ số cuối là 9.032. Ngày 9/7, gia đình nhận được tin nhắn của công ty điện lực báo số điện sử dụng tháng 6 là 404 kWh (chỉ số cuối: 9.191 kWh), số tiền phải thanh toán là 895.728 đồng.

Thấy số điện tăng bất thường trong bối cảnh gia đình đi vắng nhiều, lượng điện tăng khá cao, hộ dân này đã kiểm tra lại công tơ và phát hiện chỉ số mới đang dừng ở mức 9.060 kWh.

Sau khi giải thích vòng vo, Nhân viên Cty Điện lực Đống Đa xin tính lại tiền điện cho gia đình với lượng điện tiêu thụ giảm xuống còn 232 số điện, tương ứng số tiền phải thanh toán 441.388 đồng (giảm một nửa so với số tiền đã báo trước đó).

Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Quang Quý (trú tại nhà B6, lô 11, khu đô thị Định Công, Q.Hoàng Mai) cho biết, tháng 5/2015, gia đình ông được nhân viên điện lực quận Hoàng Mai thông báo số tiền phải nộp tới hơn 5 triệu đồng.

“Thấy số tiền lớn quá nên tôi nói với gia đình là chưa được đóng. Sau đó, khi gọi nhân viên điện lực xuống, cùng ra kiểm tra số công tơ của tháng trước và số công tơ mới được thông báo tháng 5 thì thấy số chốt mới ghi sai”, ông Quý nói.

“Khi báo chí nêu sự việc, ngày 14/7, mới có 4 người của Điện lực Hoàng Mai xuống nhà tôi xin lỗi, đồng thời giải thích việc thông báo nhầm số tiền điện hơn 5 triệu đồng là của gia đình khác…”, ông Quý nói thêm.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đất Việt, ngày 14/7, ông Nguyễn Ngọc Du - Phó Giám đốc Công ty điện lực Đông Anh cho biết: "Ở Đông Anh những tháng gần đây không nhận được thông tin nào của người dân phản ánh về việc ghi sai số công tơ điện".

Ông Du cho hay: "Chúng tôi kiểm tra thường xuyên công tác ghi số điện ở trên địa bàn xem thực hiện ra sao, nên không xảy ra chuyện bị phản ánh ghi sai công tơ điện".

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trường - Phó Giám đốc Công ty điện lực Sóc Sơn, địa bàn mà tháng 7/2014, đã phát hiện hơn 220 trường hợp bị ghi sai số công tơ, làm tiền điện tăng đột biến, cho biết: "Từ đầu năm đến nay, trải qua nhiều kỳ nhưng chúng tôi cũng không gặp sự cố ghi sai số công tơ điện, người dân cũng không phản ánh gì về việc ghi sai, hoàn toàn đồng tình".

Về việc xử lý các trường hợp bị ghi sai số công tơ năm 2014, Công ty cũng đã xử lý từ đó và đến nay thì không có trường hợp nào phản ánh.

Cũng đưa ra nhận định về việc này, ông Nguyễn Sinh Công - Phó Giám đốc Công ty điện lực Cầu Giấy cho biết: "Quận Cầu Giấy không nhận được phản ánh nào về việc ghi sai số công tơ điện, từ lâu không có trường hợp nào xảy ra".


Chỉ số công tơ điện và số được tính trên hóa đơn chênh lệch 172 kWh. - (Ảnh: Pháp luật TP HCM)

Nhà đèn nhận sai và hoàn tiền

Chiều 13/7, phát biểu trên Báo Pháp luật TP HCM, bà Hoàng Thị Minh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Đống Đa thừa nhận có sai sót đối với trường hợp của anh N.Q.H và đây là lỗi của nhân viên ghi chỉ số công tơ và rà soát hóa đơn.

Theo đó, sau khi dùng thiết bị chụp màn hình công tơ điện, nhân viên nhập số liệu vào máy tính bảng bị nhầm số, dẫn đến kết quả tính toán trên hóa đơn bị sai, làm cho sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao so với tháng trước. Cụ thể, nhân viên đã bấm nhầm số giữa số 0 và 1 trên bảng tính ghi chỉ số. Đặc biệt, khi phát hiện sai sót, các nhân viên này đã tự thỏa thuận với khách hàng mà không báo cáo sự việc với lãnh đạo công ty.

Theo bà Minh, hiện tại Công ty Điện lực Đống Đa đã sửa lại hóa đơn và hoàn số tiền bị chênh lệch cho khách hàng. Đồng thời, hội đồng kỉ luật của công ty đã tiến hành họp xử lý đối với các cá nhân có liên quan đến sai sót trên.

Cụ thể, đơn vị này đã cắt các danh hiệu thi đua năm 2015, giảm 50% tiền thưởng quý III của Đội Quản lý Điện 1 và lãnh đạo quản lý. Thi hành kỷ luật lao động đối với ông Nguyễn Sỹ Tân, Đội quản lý điện 1 và bà Lê Thanh Thủy, Tổ Điều hành hóa đơn, Phòng Kinh Doanh ở mức khiển trách.

Trước đó, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) đã đưa vào sử dụng công nghệ trong việc ghi chỉ số công tơ điện bằng camera kết hợp với máy tính bảng. Theo đó, thiết bị này có khả năng chụp ảnh chỉ số công tơ và tính toán sản lượng ngay tại hiện trường sau khi nhập chỉ số mới, cảnh báo các sản lượng bất thường. Trong máy tính bảng có cài sẵn phần mềm tính toán chỉ số điện của khách hàng dùng trong tháng và kết quả được hiển thị trên màn hình ngay lập tức.

Theo đại diện EVN Hà Nội, việc ứng dụng giải pháp ghi chỉ số công tơ bằng camera kết hợp máy tính bảng sẽ giúp cải tiến, hiện đại hoá công tác ghi chỉ số công tơ hàng tháng; Cùng với đó cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất và hiệu quả làm việc, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động. Trong quá trình ghi chỉ số, khách hàng có thể xem hình ảnh chụp chỉ số điện khách hàng sử dụng trong tháng, giám sát việc ghi chỉ sổ của công nhân điện.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về điện, việc áp dụng gậy chụp công tơ và máy tính bảng không mang lại lợi ích về kinh tế cũng như giảm nhân lực ghi chỉ số. Bởi công việc ghi chỉ số cũng cần đến hai nhân công thực hiện, không khác so với trước, trong khi đó ngành điện lại phải đầu tư khoản tiền lớn để mua sắm thiết bị công nghệ. Theo tìm hiểu trên thị trường, một bộ thiết bị công nghệ này có giá khoảng hơn 5 triệu đồng./.

Trần Ngọc/VOV.VN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
  • Nếu bị ghi sai thì gọi lên Tổng đài, có người xuống kiểm tra ngay mà, nói ra nói vào làm gì

    Thu Hoài - Cách đây 9 năm

  • Tôi thấy đây cũng là sai sót của con người thôi chứ không phải lỗi cố ý. Người ghi sai cũng chẳng được lợi lộc gì, tiền điện thu cũng phải nộp về, mà khi phát hiện lại còn bị kỷ luật. EVN nên nghiên cứu công nghệ các nước để giải quyết vấn đề này cho dân chúng tôi yên tâm

    Anh Ba Lúa - Cách đây 9 năm

  • gọi lên tổng đài vẫn không được giải quyết thì làm thế nào? biết kêu ai bây giờ?

    Hoài - Cách đây 9 năm

  • Mình thì thấy người hay cố ý thì đã kỷ luật rồi, kỷ luật nặng, đăng báo, người ta cũng không có dễ dàng gì.
    Cái gì cho qua hãy cho qua. EVN cũng đã cải tiến nhiều so với trước rồi

    Phạm Hòa - Cách đây 9 năm

  • Thực ra chuyện ghi sai số điện không phải là chuyện hiếm nhưng ngta vẫn giải quyết thỏa đáng mà, sao lại làm như là một hành vi cố tình vậy nhỉ

    Hồ An - Cách đây 9 năm


 
Liên kết hữu ích