1. Qua cuộc sơ giao, tôi biết anh mơ ước làm BS từ những năm trung học nhưng thi vào Đại học Y Dược TP.HCM không đậu, anh quay về tỉnh, học Trung cấp Y tế Long An với ý nghĩ từ trung cấp sẽ cố công học lên đại học y khoa. Vừa tốt nghiệp Trung cấp Y tế Long An, anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự rồi được đơn vị chuyển đi đào tạo ở Học viện Quân y tại Hà Nội.
Năm 2005, anh tốt nghiệp BS đa khoa, sau đó học tiếp 2 năm chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình trước khi chuyển về Ban Ngoại bệnh xá Sư đoàn Bộ binh 5, Quân khu 7. Vừa làm, vừa tìm tòi học hỏi, tay nghề của anh sớm được khẳng định. Chỉ 3 năm sau, anh được bổ nhiệm làm Trưởng ban Ngoại Bệnh viện (BV) Sư đoàn 5.
Năm 2010, anh được cử đi học BS Chuyên khoa I tại Học viện Quân y. Năm 2012, anh là BS Chuyên khoa I, được điều về BV Quân khu 7A (Cục Hậu cần Quân khu 7). Hai năm sau, anh được giao nhiệm vụ đi công tác luân phiên tại Bệnh xá đảo Trường Sa Đông thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4, Quân chủng Hải quân, đảm nhiệm Bệnh xá trưởng.
Với cương vị “đứng mũi chịu sào” ở thời điểm thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, cả đến hệ thống telemedicine để liên lạc với các BV trong đất liền xin tư vấn mỗi khi gặp ca bệnh khó cũng không có. Anh phải tự vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ của bệnh xá quân y nơi đảo tiền tiêu ở phía chân trời.
Bác sĩ Nguyễn Dũng (trái) và tác giả
Ngày ấy, trong câu chuyện, anh hay nhắc đến những vất vả của người lính quân y trên hòn đảo quanh năm nắng gió khô khốc, mỗi người chỉ được 5 lít nước sinh hoạt cả ngày. Các anh vẫn nhín từng giọt nước hiếm hoi, san sẻ cho ngư dân đánh bắt vươn khơi dài ngày trên ngư trường gần đảo. Họ coi đảo như điểm tựa, mỗi khi có việc cần là đến.
Anh cùng tổ quân y không chỉ khám, chữa bệnh cho bộ đội trên đảo mà còn khám, chữa bệnh cho ngư dân. 18 tháng trên đảo, anh cùng đồng đội trực tiếp khám, chữa bệnh cho 407 lượt quân nhân trên đảo và 139 lượt ngư dân trên ngư trường Trường Sa Đông. Và cùng với đó, anh thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật lớn, nhỏ.
Nhiều bệnh phải cấp cứu như đau ruột thừa, tai biến mạch máu não,... và nhất là tai nạn lao động khi gặp mưa to, gió lớn bất thường hoặc thao tác đánh bắt hải sản gặp sự cố. Như trường hợp một ngư phủ bị vật nhọn xuyên vào vòm họng, máu tuôn ngập khí quản không thở được, trong lúc tàu cá không thể đưa nạn nhân vào đảo, Bệnh xá trưởng quyết định dùng xuồng cấp cứu vượt sóng ra tiếp cận tàu cá để cấp cứu nạn nhân. Sau hơn một tiếng, anh áp dụng các biện pháp làm cho bệnh nhân thở được, tỉnh lại và hồi sức để đưa vào bờ chữa trị tiếp.
Hay một ngư phủ bị móc tời kéo lưới đánh trúng giập nát cả bàn chân, khi đưa lên bệnh xá của đảo, nạn nhân mê man vì mất máu và vết thương nhiễm trùng bắt đầu hoại tử. Anh cấp tốc tiến hành phẫu thuật, cả tổ y tế cùng anh trắng đêm giành sự sống cho bệnh nhân.
2. Gặp lại lần này, anh cho tôi xem bài báo viết về anh đăng trên Báo Nhân Dân với tiêu đề Một bác sĩ quân y giỏi chuyên môn và tận tụy làm theo lời Bác Hồ. Bài báo cho biết, anh hiện là Thượng tá, Phó Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh BV Quân y 7A (Cục Hậu cần Quân khu 7). Với nhiều nhiệm vụ được giao, anh đều hoàn thành tốt.
Là Đội trưởng Đội phẫu thuật cứu chữa cơ bản của Quân khu 7, anh tổ chức huấn luyện phẫu thuật cấp cứu ban đầu cho quân y các đơn vị của Quân khu. Anh từng đưa đội phẫu thuật của mình tham gia Hội thao toàn quân và đoạt giải nhất toàn đội.
Năm 2019, Bộ Quốc phòng tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn biên giới và đất liền giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Campuchia, anh được giao nhiệm vụ Trưởng khoa Ngoại 1, BV dã chiến cấp II và cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tặng bằng khen.
Tháng 02/2022, anh được giao nhiệm vụ tham gia công tác bảo đảm quân y cho chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Vùng II Hải quân. Anh còn tham gia diễn tập phòng thủ biển, tìm kiếm mục tiêu; tham gia lực lượng kiểm ngư tuần tra, kiểm soát ngư trường biển Việt Nam. Chàng trai của ruộng đồng, sông rạch Long Định ngày nào, giờ quá quen thuộc với sóng gió biển khơi.
Khi xảy ra dịch Covid-19, anh đi suốt chiến dịch, dập dịch bất kể ngày đêm. Anh đã trải bao đêm đứng suốt bên giường mổ để giành giật từng mạng sống cho bệnh nhân.
7 năm trước, trò chuyện với tôi, anh nói nhiều về những vất vả, thiếu thốn của người chiến sĩ bảo vệ biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Còn hôm nay, anh nhấn mạnh đến nhiệm vụ người thầy thuốc phục vụ quân đội, cũng là phục vụ chiến đấu, phải không ngừng học tập nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác khám, chữa bệnh, công tác huấn luyện và xây dựng đơn vị quân y mà anh đang tiếp tục đảm nhiệm.
Thượng tá, BS Nguyễn Dũng được tiếng trong đơn vị là người cán bộ quân y luôn học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, được đồng nghiệp tin tưởng, quân và dân quý mến./.
Quang Hảo