Tiếng Việt | English

04/03/2023 - 11:11

Giá nhiều mặt hàng sụt giảm, xuất khẩu đi xuống hai tháng đầu năm

Giá nhiều mặt hàng chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến và nông, lâm thủy sản đi xuống đã tác động trở lại đến hoạt động thương mại, kéo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2023 đi xuống.


Thông quan hàng hóa tại Cảng CICT Cái Lân. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù hoạt động thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2 đã có chuyển biến tích cực, song xuất khẩu của cả nước vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức do giá cả của một số mặt hàng chủ lực đi xuống.

Áp lực bất lợi khi giá suy giảm

Theo đại diện Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ tháng đầu năm với mức giảm lên tới 13,6%, vì vậy tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, giá hàng hóa xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết các mặt hàng đã kéo giảm tăng trưởng xuất khẩu chung của toàn ngành.

Đơn cử, giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng nông sản như nhân điều, càphê, sắn và sản phẩm từ sắn giảm lần lượt là 3,7%, 1,7% và 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái; thậm chí giá hạt tiêu giảm tới 31,4%, cao su giảm 20,6%.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết nếu như tháng 1, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh thì sang tháng 2 đà giảm vẫn tiếp tục. Theo đó, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm 9,8%, đạt 42,97 tỷ USD, còn xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 3,88 tỷ USD, giảm 15,1% (tương đương mức giảm 688 triệu USD) so với cùng kỳ.

Về thị trường, theo thống kê, hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, Hoa Kỳ ước đạt 13,1 tỷ USD nhưng giảm 21% so với cùng kỳ; Xuất khẩu sang EU đạt 6,9 tỷ USD, giảm 4,2%; ASEAN đạt 4,6 tỷ USD, giảm 8%; Hàn Quốc đạt 3,5 tỷ USD, giảm 5,7%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, giảm 5,9%.

- Xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường:

Tận dụng các FTA thúc đẩy xuất khẩu

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 23,58 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Đáng chú ý, cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2023 vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm hàng tư liệu sản xuất, ước đạt 43,64 tỷ USD, chiếm 93,6%, trong đó hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,3%; hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,3%. Hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 2,98 tỷ USD, chiếm 6,4%.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa hai tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD).

Với kết quả xuất nhập khẩu như trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, tình hình quốc tế vẫn còn diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, lạm phát và lãi suất duy trì mức cao, tổng cầu giảm.

Chưa kể xung đột tại Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực khiến đầu tư giảm và gián đoạn. Các nước phát triển ngày càng có nhiều tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng và hàng hóa nhập khẩu, trong khi việc Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...

Vì vậy, để vượt qua các khó khăn cũng như duy trì đà tăng trưởng, ông Diên cho biết Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp phát triển thị trường, nhất là khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latin còn nhiều dư địa khai thác.

Đồng thời, thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như FTA với các nước khối Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ Latinh. Tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc, tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm nghiệm COVID. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu và thực hiện hiệu quả đề án xuất khẩu chính ngạch.

“Bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường thông qua triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại; phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin thị trường, tư vấn chính sách, quy định và nhu cầu thị trường cho các nhà xuất nhập khẩu của Việt Nam…,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

- Cán cân thương mại 2 tháng đầu năm 2023:

Trong khi đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết đơn vị đã khẩn trương triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, đặc biệt nông sản có tính mùa vụ.

Cục cũng khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy nhập khẩu thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ nguồn, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu./.

Đức Duy (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết