Giá xăng, dầu sau khi tăng liên tục từ đầu năm đã có 4 đợt giảm liên tiếp với mức giảm khá mạnh khiến nhiều người kỳ vọng về việc giá cả hàng hóa tiêu dùng sẽ giảm theo. Thế nhưng, không ít mặt hàng thực phẩm không có dấu hiệu giảm giá, trái ngược với sự “nhanh nhảu” tăng giá mỗi khi giá xăng tăng cao.
So với cuối tháng 6, hiện mỗi lít xăng RON 95-III rẻ hơn khoảng 7.270 đồng, E5 RON 92 hạ 6.680 đồng; dầu Diesel giảm 6.110 đồng. Giá xăng, dầu giảm mạnh hiện nay được xem là tín hiệu tốt cho nền kinh tế và là cơ sở để giá nhiều loại hàng hóa được giảm theo.
Tuy nhiên, sau thời gian xăng, dầu giảm giá, người tiêu dùng khi đi chợ vẫn “nhăn mặt” vì giá cả nhiều loại hàng hóa vẫn ở mức rất cao. Giá nhiều mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá, lương thực, thực phẩm,... vẫn “bình chân như vại” và người mua phải cân đong đo đếm từng đồng khi chọn mua.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM - Trương Tiến Dũng, thời gian qua, giá cả tiêu dùng "leo thang" do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có giá xăng, dầu. Nhưng yếu tố chính quyết định giá thành sản phẩm là giá nguyên liệu sản xuất và chi phí nhân công lại đang tăng. Hiện các yếu tố này cùng chi phí vận chuyển, bao bì, vật tư, điện, nước,... đều chưa có dấu hiệu giảm. Giá xăng, dầu giảm có thể tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải, logistics nhưng bản thân những doanh nghiệp lĩnh vực này vẫn trong tình trạng "nghe ngóng" vì cho rằng, giá xăng, dầu giảm ở các kỳ điều chỉnh gần đây chỉ mang tính thời điểm, xu hướng chưa rõ ràng, đà giảm có bền vững hay không? Trong khi đó, sau 2 năm đại dịch, ngành thực phẩm và chế biến thực phẩm đang bị tác động nặng nề về nguồn cung ứng. Ngay cả thực phẩm nhập khẩu cũng bị hạn chế hơn do nhiều nước đối mặt với tình trạng lạm phát, thiếu hụt nguồn cung. Trong nước, ngành Nông nghiệp đang nỗ lực khôi phục nhưng chưa thể về được trạng thái như trước dịch, vì thế một số nguyên liệu vẫn còn thiếu và giá bán cao theo quy luật cung - cầu.
Dù vậy, người tiêu dùng vẫn đặt vấn đề: Mỗi lần giá xăng tăng thì hàng hóa “té nước theo mưa”, điều chỉnh tăng giá ngay sau đó nhưng khi giá xăng giảm mạnh thì giá vẫn "đủng đỉnh" trên cao. Điều này cho thấy mặt tiêu cực của thị trường khi mặt bằng giá cả mới đã được thiết lập thì rất khó kéo xuống.
Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân, nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng, dầu giảm mạnh trong các kỳ điều chỉnh vừa qua, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg, ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành và chủ tịch UBND các tỉnh, thành theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Trong đó, các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics cần rà soát kê khai giá để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, cấu kết đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng, dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và người dân, doanh nghiệp, cần theo dõi sát diễn biến giá cả. Nắm bắt tình hình giá cả để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chức năng nhằm kiểm soát chặt chẽ thị trường, hy vọng thời gian tới, giá cả hàng hóa sẽ được điều chỉnh linh hoạt, có lợi cho người tiêu dùng hơn./.
Thanh Tuyền