Thực hiện Kế hoạch số 2334/KH-UBND ngày 22/7/2021 của UBND tỉnh Long An về việc quản lý chất thải và vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Long An, Sở TN&MT phối hợp Công ty Cổ phần Công nghệ An Huy thu gom và xử lý toàn bộ lượng chất thải tồn đọng tại các cơ sở điều trị, các khu cách ly y tế tập trung và thu gom, xử lý lượng rác phát sinh hàng ngày trong thời gian lò đốt chất thải rắn chưa đi vào vận hành, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Giảm 30% lượng rác thải phát sinh từ phân loại tại nguồn
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thu gom khối lượng chất thải rắn cần xử lý hàng ngày là rất lớn (khoảng 16,2 tấn/ngày), trong đó khối lượng lớn phát sinh chủ yếu từ các nguồn như vỏ trái cây các loại (bưởi, sầu riêng, dừa, dưa hấu,…), chai thuỷ tinh, lon nhôm, hộp giấy đựng thức uống các loại do người thân bên ngoài chuyển vào bên trong cho người bệnh, người cách ly. Cùng với đó là tâm lý của người bệnh ăn không được nhiều nên lượng thức ăn dư thừa mỗi ngày nhiều. Đặc biệt là thức ăn dạng lỏng được buộc trong bịt nylon cho vào rác thải; phần còn lại là các đồ bảo hộ như khẩu trang, quần áo, găng tay, giấy, nhựa,...
Trong quá trình gom chất thải đưa lên phương tiện vận chuyển xử lý tại một số khu cách ly y tế tập trung thì các loại chất thải chưa được thu gom bỏ vào túi đựng buộc kín miệng và tiếp tục bỏ vào túi đựng thứ 2 đúng theo quy định; khu vực tập kết chất thải còn bố trí gần khu dân cư hoặc thùng rác không có nắp đậy kín nên để lẫn nước vào khi trời mưa, làm tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh.
Giám đốc Sở TN&MT - Võ Minh Thành thông tin: Sở tổ chức thu gom triệt để, cử cán bộ phối hợp các địa phương tổ chức hướng dẫn phân loại ngay từ đầu trong việc tiếp nhận các hàng hóa, nhu yếu phẩm trước khi chuyển vào các khu cách ly, bệnh viện dã chiến,... nhằm mục đích phân loại rác tại nguồn, hạn chế chất thải phát sinh, tạo thuận lợi trong quá trình thu gom, xử lý. Nhờ đó, lượng chất thải phát sinh tại các nơi này giảm từ 10 - 50%, trung bình giảm 30% so với trước đây, tiết kiệm được chi phí khoảng 100 triệu đồng tiền thu gom, xử lý rác mỗi ngày.
Để giảm thiểu lượng chất thải rắn phát sinh cần xử lý và bảo đảm vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, sở đề nghị Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự và UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An có chỉ đạo kịp thời đến Ban Giám đốc/Ban Điều hành Cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung thực hiện một số nội dung.
Trong đó, tổ chức hướng dẫn và thường xuyên nhắc nhở mọi người trong khu cách ly phải thực hiện việc vệ sinh bên trong của từng phòng, khu vực hành lang để bảo đảm sức khoẻ, an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện bỏ rác vào túi bên trong thùng rác của từng phòng và buộc chặt miệng túi trước khi thu gom ra khỏi phòng. Đối với thức ăn thừa dạng lỏng thì loại bỏ phần nước trước khi cho vào thùng rác.
Ban Giám đốc/Ban Điều hành Cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung yêu cầu bộ phận kiểm soát tại cổng ra vào hướng dẫn và yêu cầu người dân khi cung cấp đồ ăn, thức uống vào bên trong cần phải thực hiện: Đối với các loại thức uống được phép mang vào đựng trong chai thuỷ tinh, lon nhôm thì cho phần nước vào túi, giữ lại phần vỏ và phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đối với các loại trái cây có vỏ dày thì phải gọt bỏ phần vỏ và cho phần ruột, phần nước vào túi và phải bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại khu vực bên ngoài, cần bố trí thùng chứa để thu gom rác thải phát sinh và chuyển xử lý như rác sinh hoạt thông thường. Rà soát bố trí lại khu vực tập kết chất thải bên trong khuôn viên bảo đảm không gần khu dân cư (nhà dân), thuận tiện cho phương tiện ra vào thu gom rác và phải được che chắn hoặc để trong thùng đựng có nắp đậy kín tránh tình trạng nước mưa lẫn vào.
Tại thời điểm bốc chất thải lên phương tiện vận chuyển xử lý phải được phun khử khuẩn để bảo đảm an toàn cho người thực hiện. Rà soát lại các khu vực có phát sinh nước thải, các biện pháp thu gom nước thải phải triệt để về khu vực xử lý tập trung và công tác vận hành châm hoá chất khử trùng phải bảo đảm đúng liều lượng và liên tục 24/24 giờ (có người theo dõi và sổ ghi lại khối lượng hoá chất sử dụng mỗi ngày).
Tuyệt đối không để lẫn và chuyển chất thải có thành phần nguy hại tại các cơ sở điều trị, các khu cách ly y tế tập trung để xử lý chung với rác thải sinh hoạt tại khu vực./.
Thanh Mỹ