Tiếng Việt | English

27/02/2020 - 11:28

Gian truân nhưng rất vinh quang - nghề thầy thuốc

Từ bấy lâu nay, nghề y là một nghề cao quý với trọng trách cứu người, thế nhưng, mấy ai thấu hiểu được sự vất vả, gian truân của những người khoác trên mình tấm áo blouse trắng.

Bác sĩ Võ Văn Lai kiểm tra sức khỏe bệnh nhân

Để thực hiện nhiệm vụ cao cả, chăm sóc, điều trị sức khỏe cho nhân dân thì những người thầy thuốc phải hy sinh rất nhiều và thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm.

Tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An hiện có 241 người hoạt động trong ngành y tế công lập, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho gần 56 ngàn người dân của huyện, trong đó, Trung tâm Y tế huyện là 170 và Trạm Y tế tuyến xã là 71. Trung tâm Y tế huyện có 132 y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trực tiếp khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Còn ở tuyến xã thì có 20 bác sĩ phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đội ngũ thầy thuốc so với số dân trong huyện là một con số khá khiêm tốn. Những người thầy thuốc thường xuyên phải đối mặt với áp lực công việc, trách nhiệm về tính mạng bệnh nhân, thậm chí, có những khi thân nhân người bệnh vì lo lắng nên nóng vội, có những lời nói không hay với y, bác sĩ.

Bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Diệp Sương - Khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện, chia sẻ: “Có những ca cấp cứu tai nạn giao thông nặng, cả kíp trực phải tập trung kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân, nhưng thân nhân lại hiểu nhầm, cho rằng không nhanh chóng cứu người. Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần hồi phục thì chính người này lại đến xin lỗi và bày tỏ lòng cảm ơn ca trực đã cứu người thân của mình”.

Tại Khoa Ngoại tổng hợp, không bận rộn và hối hả như ở Khoa Hồi sức cấp cứu nhưng áp lực công việc của các y, bác sĩ cũng không hề nhỏ, nhất là khi thực hiện những ca phẫu thuật phức tạp. Bác sĩ CK I Võ Văn Lai – Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp đã 23 năm công tác tại Trung tâm Y tế huyện, trăn trở: “Tôi cũng như các y, bác sĩ ở đây đều nỗ lực thực hiện những ca phẫu thuật thành công ở tuyến huyện để giảm chi phí cho người dân vì không phải chuyển lên tuyến trên”.

Khi chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, nguy cơ nhiễm bệnh là rất lớn. Tuy nhiên, sức khỏe của bệnh nhân là quan trọng hàng đầu, các y, bác sĩ, cán bộ y tế vẫn phải cận kề chăm sóc mỗi ngày. Điều dưỡng Trương Thị Ngọc Châu  - Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng, cho biết: “Tôi cũng như các điều dưỡng, y, bác sĩ ở đây đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhằm bảo đảm an toàn cho mọi người, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và chăm sóc bệnh nhân thật chu đáo”.

Còn tại tuyến cơ sở - nơi tiếp nhận ban đầu các ca bệnh từ đơn giản nhất đến phức tạp, nên đòi hỏi người thầy thuốc phải có nhiều kinh nghiệm, phán đoán chính xác tình trạng bệnh để đưa ra hướng xử lý kịp thời, đồng thời phải thường xuyên nâng cao tay nghề, trau dồi chuyên môn, y đức để phục vụ bệnh nhân. Bác sĩ Võ Hữu Nghĩa – Trưởng Trạm Y tế xã Hưng Điền phấn khởi: “Sắp tới đây, chúng tôi sẽ được đưa đi đào tạo để đạt chuẩn theo quy định, nâng cao nghiệp vụ để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân tuyến cơ sở”.

Trân quý biết bao tấm lòng của những thầy thuốc, dù còn nhiều vất vả nhưng những “thiên thần áo trắng” vẫn thầm lặng thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, tận tình vì sức khỏe nhân dân./.

Thành Nhân

Chia sẻ bài viết


Hướng dẫn đọc sách online hiệu quảTìm hiểu mbti và cách áp dụng