Ngày nay, muốn thăng tiến trong sự nghiệp, chúng ta phải có kỹ năng giao tiếp tốt. Văn hóa giao tiếp chính là “chìa khóa” của thành công, là “bàn đạp” thúc đẩy con người cố gắng hơn, hoàn thiện bản thân hơn. Tuy nhiên, rèn luyện kỹ năng giao tiếp không hề dễ dàng, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí.
Trong hoạt động báo chí, việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ năng giao tiếp với nghiệp vụ báo chí là điều kiện để nhà báo đạt hiệu quả trong công việc và thành công trong sự nghiệp. Khả năng giao tiếp của nhà báo càng tốt thì thông tin thu thập được càng nhiều, truyền tải đến công chúng càng hiệu quả. Sự năng động, nhiệt tình và trách nhiệm của nhà báo trong việc giao tiếp với các tầng lớp người trong xã hội, nghiên cứu tìm tòi để sáng tạo ra tác phẩm báo chí mang dấu ấn riêng, có tác động sâu sắc tới công chúng.
Kỹ năng giao tiếp tốt cũng giúp nhà báo khai thác sâu vào chủ đề, mở ra hướng thu thập thông tin sâu rộng. Nhờ kỹ năng giao tiếp tốt, nhà báo có được những thông tin mới mẻ, chân thật mà nhân vật trong quá trình trò chuyện bộc lộ một cách tự nhiên. Đặc biệt là khi nhà báo mang đến cho nhân vật cảm giác được hiểu, được chia sẻ, được ghi nhận. Những nhà báo giỏi trong giao tiếp, họ luôn tạo ra được không gian chia sẻ thoải mái và chân thành. Trên sóng phát thanh, truyền hình, nhiều cuộc nói chuyện giữa nhà báo và khách mời thu hút sự chú ý của công chúng từng phút, từng giây bởi tính hấp dẫn của câu chuyện. Chính khả năng giao tiếp tạo nên sự thành công của nhà báo.
Kỹ năng giao tiếp cần trải qua quá trình rèn luyện lâu dài, bền bỉ. Một nhà báo thành công là người không chỉ có sự đam mê, lòng nhiệt huyết, đạo đức nghề nghiệp, vốn kiến thức sâu rộng, họ còn cần có kỹ năng giao tiếp tốt. Trong kỹ năng giao tiếp, nhà báo phải là người thành thạo trong cách diễn đạt bằng lời nói cũng như trong ngôn ngữ viết tiếng mẹ đẻ. Điều này góp phần không nhỏ trong việc thu thập tin tức, hình ảnh trong quá trình tác nghiệp, xây dựng niềm tin, sự tôn trọng cho bạn đọc./.
Khánh Phương