Bài 2: Xây thành lũy xanh nơi biên giới
Cùng các phong trào bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, tỉnh có những cách làm hay, sáng tạo trong bảo vệ biên giới. Hiện trên toàn tuyến biên giới, những rặng tre bắt đầu xanh tốt dọc đường biên. Người dân không ngại hiến đất trồng tre, xây thành lũy xanh nơi biên giới. Cùng với đó, những khu dân cư liền kề chốt dân quân, liền kề đồn, trạm biên phòng đã và đang mang đến sức sống mới, trù phú hơn nơi mảnh đất biên cương.
Hiện trên toàn tuyến biên giới, những rặng tre bắt đầu xanh tốt dọc đường biên
Trồng tre giữ đất biên thùy
Từ Đồn Biên phòng Thạnh Trị, con đường nhựa phẳng lì chạy thẳng ra biên giới. Đang độ thời tiết giao mùa, cái nắng vẫn phả thẳng lên khuôn mặt những nông dân đang gieo sạ lúa cho vụ mùa mới. Giữa cái nắng nóng, những hàng tre xanh mát dọc theo tuyến biên giới do Đồn Biên phòng Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường quản lý, bảo vệ như làm dịu lại mắt người.
Hơn 2km tuyến biên giới qua địa bàn xã Thạnh Trị, màu xanh của tre đã dần phủ kín tuyến đường biên giới, xây nên lũy thành xanh nơi biên cương Tổ quốc. Để có được những lũy tre xanh tốt như hôm nay đó cũng là một quá trình tuyên truyền, vận động, sự hưởng ứng, đồng thuận trong nhân dân.
Hơn 2km tuyến biên giới qua địa bàn xã Thạnh Trị, màu xanh của tre đã dần phủ kín tuyến đường biên giới, xây nên lũy thành xanh nơi biên cương Tổ quốc
Vợ chồng ông Thái Văn Xây (ấp 1, xã Thạnh Trị), trước đây vốn ở trong căn nhà giữa khu dân cư nhưng hơn 1 năm nay, vợ chồng ông quyết định giao lại căn nhà cho con trai để ra sống cạnh đường biên bên căn nhà liền kề trạm biên phòng. Ngay phía trước nhà, những hàng tre bắt đầu vươn ngọn. Ông Xây nói: “Chắc chỉ 1 năm nữa, những cụm tre này sẽ phủ xanh tuyến biên giới”. Gia đình ông Xây có hơn 2ha đất sản xuất cặp đường tuần tra biên giới.
Hơn 2 năm trước, khi hay tin chính quyền địa phương vận động hiến đất trồng tre, ông không ngần ngại hiến 666m2 đất của gia đình. “Đất giờ cũng có giá, nhưng khi nghe chủ trương vận động, gia đình tôi sẵn sàng hiến đất bởi đây là chủ trương đúng, vì lợi ích Tổ quốc. Trồng tre bảo vệ biên giới cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân chúng tôi”, ông Xây cho biết. Cũng như gia đình ông Xây, khi được vận động gia đình ông Lê Văn Vân cũng hiến trên 1.000m2 đất để trồng tre.
Theo ông Vân, gia đình sẵn sàng hiến đất bởi chủ trương trồng tre bảo vệ biên giới là chủ trương lớn để xây dựng những lũy thành xanh nơi biên cương. “Việc trồng tre không chỉ là bức tường để bảo vệ biên giới mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng về việc che chở người dân, khẳng định chủ quyền an ninh biên giới. Vì thế, khi địa phương có chủ trương, gia đình tôi đồng thuận hiến đất, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn”, ông Vân cho biết.
Theo ông Vân, gia đình sẵn sàng hiến đất bởi chủ trương trồng tre bảo vệ biên giới là chủ trương lớn để xây dựng những lũy thành xanh nơi biên cương
Trung tá Lê Trung Sơn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thạnh Trị, khẳng định, từ bao đời nay, hình ảnh cây tre đã thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của người dân Việt Nam. Do đó, việc trồng tre dọc theo biên giới là 1 chủ trương lớn trong việc bảo vệ biên cương. Cây tre cũng gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân. Vì vậy, khi những lũy tre xanh trưởng thành sẽ tạo nên một hàng rào xanh nơi biên giới. Điều này cũng giúp khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đồng thời, sau 1 vài năm nữa, những cây tre biên giới còn có thể cải thiện cuộc sống người dân qua việc khai thác măng hoặc tạo nguồn nguyên liệu cho các nghề thủ công truyền thống.
Những lũy tre không chỉ gia cố đất đai mà còn có ý nghĩa xác lập và khẳng định chủ quyền, lãnh thổ biên cương của Tổ quốc
Dọc đường tuần tra biên giới đoạn qua 3 xã Bình Tân, Bình Hiệp và Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, nhiều đoạn được phủ xanh bởi những lũy tre. Ít ai biết rằng, đó là kết quả của địa phương đã dày công trồng để bảo vệ biên giới trong những năm qua. Những lũy tre không chỉ gia cố đất đai mà còn có ý nghĩa xác lập và khẳng định chủ quyền, lãnh thổ biên cương của Tổ quốc.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", thị xã Kiến Tường vận động người dân có đất dọc tuyến biên giới hiến đất trồng tre cặp đường tuần tra, ngăn cách biên giới 2 nước Việt Nam - Campuchia đoạn biên giới qua địa bàn. Trong đó, có 48 hộ dân có đất phải thu hồi, diện tích 54.702m2, trị giá ước tính khoảng 3,5 tỉ đồng. Cùng với thị xã Kiến Tường, trên tuyến biên giới huyện Mộc Hóa, Thạnh Hóa, những lũy tre cũng bắt đầu xanh bên đường tuần tra như dựng nên một “thành lũy xanh” giữ đất biên thùy.
Thông tin từ Phòng Kinh tế và Hạ tầng thị xã Kiến Tường, dự án trồng tre cặp đường tuần tra biên giới trên địa bàn thị xã có tổng chiều dài gần 12km, hiện giai đoạn 1 đã đào mương và trồng tre được 3,855km (xã Bình Hiệp 1,70km, xã Bình Tân 2,155km); giai đoạn 2 chiều dài 7,973km (xã Bình Hiệp 3,950km, xã Thạnh Trị 4,023km), hiện đã đào mương được 4,772km, trồng tre 2,082km, chiều dài còn lại 2,690km sẽ tiếp tục trồng trong thời gian tới. Đến nay, đã vận động được 38/48 hộ hiến gần 37.000m2 đất. |
An cư nơi biên cương Tổ quốc
Cùng với những lũy tre xanh, trên tuyến biên giới hiện nay những cụm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng như mang đến sức sống mới cho vùng đất biên cương đầy nắng gió.
Bà Nguyễn Thị Kim Thẹn gần như đã giành trọn cuộc đời cho biên giới
Có hơn 4 nhiệm kỳ làm trưởng ấp và giờ là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 61, xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, bà Nguyễn Thị Kim Thẹn gần như đã giành trọn cuộc đời cho biên giới. Hộ này hoàn cảnh ra sao, hộ kia thế nào, bà đều thuộc như lòng bàn tay. Đến cả từng cán bộ của Đồn Biên phòng Thuận Bình, bà cũng đều biết tên, biết mặt. “Sáu đời Đồn trưởng có ai mà tôi không rành", bà cười rồi chỉ sang Thiếu tá Mai Thành Dững - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thuận Bình.
Bà Thẹn kể, từ xưa người dân biên giới và Bộ đội Biên phòng đã truyền thống gắn bó keo sơn. Ngày trước, thời điểm Đồn biên phòng mới thành lập, bà cùng 3 hộ dân khác cũng là những người đầu tiên dỡ nhà để nhường đất cho biên phòng dựng đồn đóng quân. “Khi ấy, khu vực Mỏ Vẹt này còn khó khăn lắm, đời sống còn nhiều vất vả, thế nhưng hiện tại, ai lâu ngày chưa về biên giới là thấy lạ liền, nhà nhà đã dựng lên trên biên giới, điện, nước cũng đầy đủ rồi”, bà Thẹn tự hào khoe. Nói rồi, bà cùng Thiếu tá Dững dẫn chúng tôi chạy một vòng dọc tuyến đường tuần tra biên giới qua địa bàn ấp 61.
Gia đình anh Lê Thanh Luận là một trong những hộ đầu tiên được xét duyệt xây dựng nhà liền kề chốt dân quân, gia đình anh thêm tiền xây dựng ngôi nhà khang trang hơn
Liền kề với đường tuần tra biên giới, những ngôi nhà khang trang của các hộ dân xen giữa những vườn chanh, vườn mít trĩu quả. Ngay khi có chính sách “an dân giữ đất biên cương”, gia đình anh Lê Thanh Luận là một trong số các hộ dân đầu tiên đăng ký. “Qua xét duyệt, gia đình tôi được hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà liền kề chốt dân quân. Cũng có chút vốn tích lũy nên gia đình tôi thêm tiền xây dựng cho ngôi nhà khang trang hơn. Gần 3 năm sinh sống trên tuyến biên giới, bây giờ có cho chọn lại tôi vẫn thấy quyết định ra biên giới của gia đình hoàn toàn chính xác", anh Luận cho biết.
Theo anh Luận, thời điểm đăng ký ra gắn bó với biên giới ban đầu cũng có chút “rén”, bởi dù ở xã biên giới nhưng trước đây gia đình anh sống trong khu dân cư, chưa hình dung cuộc sống nơi tuyến đầu biên giới sẽ như thế nào. “Đến khi về đây sinh sống, tôi mới thấy cuộc sống biên giới thực sự thoải mái, vừa tiện cho sản xuất cũng vừa yên tâm khi nơi đây luôn đượm nghĩa tình quân - dân. Với mỗi người dân biên giới, chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm sẽ gắn bó, bảo vệ và dựng xây vùng đất biên giới này”, anh Luận khẳng định.
Rời Thuận Bình, con đường tuần tra biên giới được thảm bê tông phẳng lì đưa chúng tôi xuôi về Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ. Tuyến biên giới do Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây quản lý trải dài 11,229km qua địa bàn 3 xã Mỹ Bình, Bình Hòa Hưng và Mỹ Thạnh Tây, tiếp giáp xã Toul Sdei, huyện Chanthrea, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia.
Chỉ 3, 4 năm về trước, trên con đường này, ngoài các chốt dân quân, trạm biên phòng trên đường tuần tra biên giới, hai bên đường chỉ có những vạt tràm xanh thẫm. Thế nhưng, từ chủ trương xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng, hàng chục căn nhà được dựng lên khang trang, những hàng cột điện thẳng tắp cùng 330 lá cờ đỏ sao vàng từ mô hình "Xây dựng đường cờ Tổ quốc” như tạo nên sức sống mới của vùng biên viễn này.
Quán nhỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Cây nằm trên đường tuần tra biên giới
Quán nhỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Cây (ấp 5, xã Mỹ Bình) nằm bên đường tuần tra biên giới. Đây cũng là điểm dân cư liền kề chốt dân quân tập trung đông nhất với các hộ dân bám biên, bám đất. Trong chiếc tủ giải khát nhỏ, những tờ thông báo về các quy định biên giới, thông báo chủ trương hoán đổi đất,… được lực lượng bộ đội biên phòng treo ngay ngắn, ở vị trí dễ nhìn nhất để bất kỳ ai ghé quán đều có thể thấy.
“Biên giới giờ đã khác rồi, trước thì còn hoang vu nay đã thành những một xóm nhỏ chẳng khác nào nội địa”, ông Cây khẳng định. Từ tháng 01/2024, đường điện lưới quốc gia chạy xuyên qua những vạt rừng tràm thắp sáng đường biên giới đưa điện tới từng hộ dân đã cho cuộc sống nơi đây một diện mạo khác.
Riêng tuyến biên giới Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây phụ trách, quản lý, có 60 căn nhà liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng được xây dựng
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây, riêng tuyến biên giới do đơn vị phụ trách quản lý, bảo vệ hiện xây dựng được 60 căn nhà liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng.
“Những điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng đã góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới. Từ những điểm dân cư, mỗi người dân biên giới đều sẽ là những "cột mốc sống" cùng các lực lượng xây nên lũy thành bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc từ sớm, từ xa”, Thượng tá Nam khẳng định./.
Thực hiện Đề án của Bộ Tư lệnh Quân khu về việc “Xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2019 - 2025”, đến nay, trên toàn tuyến biên giới của tỉnh đã xây dựng được 24 điểm/254 căn nhà. Trong đó có 9 điểm/45 căn nhà liền kề đồn, trạm biên phòng. |
(Còn tiếp)
Bài 3: Sức sống mới nơi biên cương Tổ quốc
K.Định - V. Đát - Đ.Thịnh