Theo báo cáo tình hình, kết quả KT-XH 10 tháng năm 2017 của UBND tỉnh, công tác xây dựng cánh đồng lớn được tập trung triển khai: Vụ Đông Xuân 2016/2017, các doanh nghiệp đăng ký 68 lượt cánh đồng với diện tích 19.861ha, gồm 16 doanh nghiệp và 8.141 hộ tham gia; vụ Hè Thu, các doanh nghiệp đăng ký 32 lượt cánh đồng với diện tích 6.709ha, gồm 13 doanh nghiệp và 2.809 hộ tham gia.
Cánh đồng lớn là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa cấp bách và lâu dài; mô hình này mang lại lợi ích thiết thực cho cả nông dân và doanh nghiệp. Về phía nông dân, không còn lo tình trạng bị thương lái ép giá, vừa tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất, vừa bảo đảm đầu ra sản phẩm, không còn phải lo điệp khúc “được mùa - rớt giá”, góp phần tạo vùng nguyên liệu ổn định, gắn sản xuất với thị trường, mang lại lợi nhận cao. Nông dân còn được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Khi thực hiện cánh đồng lớn, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, tương đối đồng nhất về chủng loại nông sản hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh do kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, cánh đồng lớn còn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn về số hộ tham gia, diện tích sản xuất, sản lượng lúa so với sản lượng chung của tỉnh và tiềm năng sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Những năm qua, con số về cánh đồng lớn không tăng, chưa tạo thành phong trào liên kết sản xuất rộng lớn trong tỉnh, chưa giúp nhiều nông dân có ý thức, trách nhiệm với chất lượng sản phẩm chung của cộng đồng để tạo dựng, giữ gìn uy tín thương hiệu. Một số hộ dân quen với tập quán sản xuất cũ, thờ ơ với cánh đồng lớn. Đặc biệt, không ít trường hợp không thực hiện đúng hợp đồng ký kết, “bẻ kèo” bán lúa cho thương lái khi giá lúa biến động tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm mất lòng tin lẫn nhau.
Thực hiện cánh đồng lớn là môi trường tốt nhất thực hiện liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước, nhà doanh nghiệp và cả ngân hàng (“nhà bank”)), tiến tới thực hiện hiệu quả Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do vậy, nhất thiết doanh nghiệp và nông dân phải xây dựng niềm tin lẫn nhau bằng các hợp đồng liên kết, cần có vai trò trung gian của Nhà nước, có chế tài xử lý tình trạng phá vỡ hợp đồng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục củng cố, thành lập, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Khi chưa có sự thống nhất và tin tưởng lẫn nhau, cần tăng cường tiếp xúc, đối ngoại, nhất là về cơ chế, chính sách gắn liền với sản xuất của người dân và hoạt động của doanh nghiệp./.
Kim Quy