Những năm qua, các cơ quan báo chí và lực lượng làm báo trong tỉnh ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Đặc biệt, từ thực tiễn năng động với trách nhiệm chính trị - xã hội lớn lao, sứ mệnh vẻ vang của người làm báo cách mạng càng được thể hiện đậm nét hơn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các nhà báo: “Người làm báo cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. Thực hiện lời dạy của Người, 99 năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhìn lại lịch sử, các thế hệ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, từ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay đều đánh giá rất cao vai trò của báo chí cách mạng.
Cùng với báo chí cả nước, báo chí Long An không ngừng nỗ lực vươn lên, sáng tạo, đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, góp phần gắn kết ý Đảng - lòng dân. Báo chí phản ánh kịp thời diễn biến đời sống chính trị, các nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh trên địa bàn, các sự kiện đối ngoại quan trọng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Báo chí bám sát, phản ánh thực tiễn cuộc sống, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, quảng bá hình ảnh của tỉnh đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Báo chí trong tỉnh cũng đã phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước. Là “cầu nối” hữu hiệu giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như đối với công cuộc đổi mới đất nước.
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng truyền thông đa phương tiện, hội tụ công nghệ cao, tích cực thực hiện tốt công tác chuyển đổi số báo chí, nhằm mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Một nhà báo giỏi phải có cả “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, nghĩa là nhanh nhạy trong hoạt động nghiệp vụ, dám đấu tranh chống lại những sai phạm và thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp, giữ vững bản thân trước những cám dỗ thường trực. Trong bối cảnh hiện nay, để hoàn thành sứ mệnh của một “chiến sĩ cách mạng” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đòi hỏi mỗi nhà báo phải thường xuyên trau dồi nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp. Nghề báo đầy vinh quang nhưng cũng nhiều cám dỗ bủa vây. Nếu không đặt lợi ích đất nước lên trên tất cả thì nhà báo rất dễ sa ngã, bị cuốn vào những sai lầm không thể khắc phục được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong công cuộc “phò chính, trừ tà”, để không bước qua lằn ranh mong manh giữa đạo đức và sự cám dỗ của vật chất, cùng với áp lực từ nhiều phía, khi phản ánh tiêu cực thì những người làm báo cần một “cái đầu lạnh” bên cạnh một “trái tim nóng”. Cùng một sự kiện, vấn đề nhưng kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh cũng như cái “tâm” và “tầm” của người làm báo khác nhau sẽ tạo ra những tác phẩm khác nhau qua cách lựa chọn thông tin, thái độ, góc nhìn.
Báo chí với vai trò định hướng dư luận xã hội, nếu người làm báo không tỉnh táo, không làm tròn trách nhiệm sẽ dễ chạy theo tin giả, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tờ báo, suy giảm niềm tin trong nhân dân. Vì vậy, mỗi người làm báo cần khắc ghi lời Bác dạy: “Không biết rõ, không hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết cũng chớ nói, chớ viết càn”.
Bên cạnh đó, mỗi người làm báo cần ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; cần nêu cao tính chủ động, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương; tích cực biểu dương người tốt, việc tốt, lan tỏa những điều tử tế, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Và điều quan trọng nhất là mỗi người làm báo cần giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. Đây là những điều kiện tiên quyết trong hoạt động báo chí, là đạo đức, lương tâm, trách nhiệm mà mỗi người làm báo chân chính phải “khắc cốt ghi tâm” vì một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại./.
Hoàng Trà