Khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm vắc-xin
Chiến dịch triển khai tại trường học và ngoài cộng đồng từ ngày 12 đến 17/10; tổ chức tiêm vét tại trạm y tế từ ngày 27 đến 30/10. Chiến dịch diễn ra tại 53 xã, phường vùng nguy cơ cao của huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước và TP.Tân An (không phân biệt vãng lai) cho tất cả các trẻ từ 1 - 5 tuổi. Những trẻ đã tiêm vắc - xin phòng bệnh sởi hoặc vắc - xin phòng bệnh rubella trong thời gian dưới 1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung thì không tham gia chiến dịch này.
Trước khi diễn ra chiến dịch, ngành Y tế phối hợp các địa phương, đơn vị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các đơn vị y tế, trường học và cộng đồng. Nội dung truyền thông chủ yếu về sự nguy hại của bệnh sởi - rubella đối với sức khỏe của trẻ; các thông tin về vắc - xin; đối tượng tiêm và lợi ích của tiêm chủng; địa điểm, thời gian tổ chức tiêm chủng;… Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức và phối hợp ngành y tế, nhà trường triển khai hiệu quả chiến dịch.
Chị Nguyễn Thị Đào Mộng (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) cho biết: “Nhà trường có gửi giấy thông báo triển khai chiến dịch cho phụ huynh. Qua tìm hiểu, tôi biết được bệnh này rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nên tôi đồng ý cho bé tiêm tại trường”.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các điểm tiêm chủng, bàn đón tiếp, ghi chép sổ sách, bàn khám sàng lọc, bàn tiêm, khu vực theo dõi sau tiêm được bố trí thuận tiện, phù hợp. Quy trình tiêm chủng được cán bộ y tế thực hiện đúng theo quy định.
Tại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ có 391 trẻ đủ điều kiện tham gia chiến dịch. Trưởng trạm Y tế xã Đức Tân - Lê Ngọc Phượng cho biết: “Chiến dịch triển khai tại Trường Mẫu Giáo Đức Tân (điểm chính và điểm phụ); đồng thời, tổ chức tiêm ngoài cộng đồng tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã. Để chiến dịch đạt kế hoạch, chúng tôi tiến hành điều tra, lập danh sách trẻ và gửi thông báo cho phụ huynh.
Cộng tác viên tổ chức điều tra từng hộ gia đình, phát thư mời và cập nhật phần mềm nhằm theo dõi và quản lý, không để bỏ sót trẻ. Ngoài ra, nhà trường và lực lượng cộng tác viên cũng thu thập thông tin từ phụ huynh về tình trạng tiêm ngừa và bệnh lý của các em nhằm bảo đảm an toàn trong tiêm chủng”.
Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh sởi, rubella
Năm 2019, tỉnh chọn 11 huyện để triển khai chiến dịch. Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh cho trẻ, năm 2020, tỉnh được Bộ Y tế cho phép triển khai tiếp 4 huyện còn lại của tỉnh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các quốc gia cần đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên 2 mũi vắc - xin sởi đạt trên 95% và tổ chức định kỳ chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc-xin sởi, rubella cho các đối tượng nguy cơ cao.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh – Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Tại Việt Nam, bệnh sởi tiếp tục lưu hành với chu kỳ 4 - 5 năm. Từ năm 2015 đến nay, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi mũi 1 trong tiêm chủng thường xuyên hàng năm đạt trên 95% nhưng tỷ lệ tiêm chủng mũi 2 (18-24 tháng tuổi) chưa đạt chỉ tiêu này. Từ đó, dẫn đến việc tích lũy đối tượng cảm nhiễm qua các năm là điều kiện thuận lợi cho dịch sởi quay trở lại.
Riêng tại Long An, tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên hàng năm đối với vắc - xin sởi mũi 1 đạt 94 - 99%, đối với vắc-xin sởi và sởi-rubella đạt 85 - 97%, nên số tích lũy đối tượng cảm nhiễm (số trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm thiếu mũi vắc xin sởi và sởi - rubella) trung bình qua các năm từ 1-15% tùy theo địa phương”.
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh và có thể gây dịch trên phạm vi lớn, đặc biệt tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tập trung đông dân cư. Chiến dịch MR là hoạt động góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh sởi, rubella, tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi và rubella cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương trong tương lai. Đây còn là mục tiêu mà Chính phủ giao cho Dự án tiêm chủng mở rộng trong giai đoạn 2016-2020./.
Ngọc Mận