Ảnh minh họa
Khảo sát an toàn trực tuyến các bậc phụ huynh tại Việt Nam thực hiện bởi Qaltrics và Google cho thấy 71% phụ huynh có con nhỏ học các lớp trực tuyến trong thời điểm đại dịch COVID đều có quan ngại về vấn đề an toàn trên mạng.
Hơn 1/3 số phụ huynh được phỏng vấn chưa bao giờ nói chuyện với trẻ nhỏ về vấn đề an toàn trên mạng. Để trẻ tự tin sử dụng Internet một cách hiệu quả và tử tế, phụ huynh cần đồng hành cùng con và cần hiểu các yếu tố quan trọng để dạy con khi lên mạng.
Google gợi ý 5 bí quyết giúp các phụ huynh có thể thấu hiểu và đồng hành cùng con trên không gian trực tuyến, giúp con được trang bị những kiến thức và nâng cao tự tin khi thám hiểm thế giới Internet rộng lớn.
Dạy con cẩn thận khi chia sẻ, sử dụng Internet thông minh
Tin tốt (và cả tin xấu) đều lan truyền rất nhanh trên Internet. Nếu không suy nghĩ kỹ càng, trẻ sẽ dễ rơi vào những tình huống khó khăn và phải đối mặt với những hậu quả dài lâu. Để tránh nguy cơ, cha mẹ nên dạy cho trẻ biết nên chia sẻ điều gì với người quen và người lạ.
Cụ thể, cha mẹ nên khuyến khích trẻ chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm bằng cách xem đối thoại trên mạng như là đối thoại ngoài đời. Nếu điều đó không nên nói thì cũng không nên đăng tải trên mạng.
Hướng dẫn trẻ thế nào là một cuộc trò chuyện phù hợp và không phù hợp, đồng thời giữ bí mật thông tin về gia đình và bạn bè. Chẳng hạn, nhật ký là những chia sẻ rất riêng tư và bí mật của mỗi người.
Cha mẹ cần khuyên dạy trẻ không nên chia sẻ, phát tán nhật ký của mình hoặc của người khác lên mạng khi điều đó có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mỗi người.
Dạy con tỉnh táo trước vô vàn cạm bẫy của Internet
Những lời như "chúc mừng bạn đã giành chiến thắng" đi kèm món quà "miễn phí" thường là những lời rất đáng ngờ. Vì thế, hãy dạy trẻ phân tích đúng sai trước khi thực hiện một hành động bất kỳ trên mạng và học cách tin vào trực giác của mình.
Đồng thời, trẻ luôn cần cảnh giác với kẻ tấn công mạng - đó là những kẻ luôn chực chờ lấy cắp các thông tin như thông tin đăng nhập hay tài khoản thông qua email, tin nhắn, hoặc các phương tiện giao tiếp online khác.
Ví dụ, kẻ giả mạo có thể gửi email hoặc tin nhắn lừa đảo có chứa thông tin cá nhân của trẻ để trẻ nghĩ rằng người gửi đến quen biết mình. Cha mẹ nên phổ cập trẻ một số dấu hiệu nhận biết của email lừa đảo (như kiểm tra lại URL được đính kèm trong email) và báo lại người mà trẻ tin tưởng để được hướng dẫn đối phó thêm.
Dạy con mạnh mẽ bảo vệ thông tin riêng tư trên Internet
Quyền riêng tư cá nhân và quyền được bảo mật của con người trên không gian mạng cũng quan trọng như ngoài đời vậy. Nếu biết cách bảo vệ các thông tin quý giá, trẻ sẽ tránh được việc gây hư hỏng thiết bị, mang tiếng xấu và làm sứt mẻ các mối quan hệ.
Để làm được điều này, cha mẹ cần dạy trẻ đặt mật khẩu đủ mạnh và không sử dụng lại mật khẩu cũ. Một mật khẩu mạnh và dễ nhớ phải gồm có cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt, và cần tránh dùng thông tin cá nhân như tên và ngày tháng năm sinh để đặt mật khẩu.
Ví dụ, những mật khẩu như "123456" hoặc "matkhau" là những mật khẩu không mạnh. Để có một mật khẩu đủ mạnh, trẻ có thể tạo từ những cụm từ thú vị trong phim ảnh hoặc bài hát mà trẻ ưa thích và biến tấu một số chữ cái trong cụm để mật khẩu trở nên mạnh hơn.
Dạy con lan tỏa sự tử tế trên môi trường Internet
Có thể ví Internet như một máy khuếch đại có công suất cực lớn được dùng để phát tán cả những điều tích cực và tiêu cực. Nếu trẻ chọn cách cư xử đẹp khi sử dụng Internet, trẻ sẽ tác động tích cực đến nhiều người và góp phần ngăn chặn thành công các hành vi bắt nạt người khác.
Do đó, cha mẹ nên dạy trẻ làm gương cho người khác và hành động vì người khác, động viên trẻ lên tiếng chống lại và báo cáo các hành vi bắt nạt trên mạng, tận dụng sức mạnh của Internet để lan tỏa những điều tích cực.
Chẳng hạn, nếu một người bạn của trẻ bị công kích trên mạng bởi những lời nói tiêu cực, cha mẹ có thể dạy trẻ lên tiếng và báo cáo lại những lời công kích đó. Đồng thời động viên tinh thần người bạn của mình bằng cách hỏi thăm qua tin nhắn, gọi điện hoặc email.
Dạy con can đảm lên tiếng khi có nghi ngờ
Một bài học cần được ghi nhớ khi trẻ có bất kỳ một cuộc trò chuyện nào trên mạng, dù ở hình thức gì chăng nữa.
Nếu cảm thấy có điều gì đáng ngờ, trẻ cần cảm thấy thoải mái khi chia sẻ điều đó với người lớn mà trẻ tin tưởng. Người lớn cần giúp trẻ phát huy hành động này qua việc ủng hộ trẻ trò chuyện cởi mở cả khi ở nhà và ở trường.
Ví dụ, khi chơi trò chơi điện tử trên mạng, nếu thấy người chơi cùng đang có những lời lẽ cực kỳ thậm tệ về người khác và không chịu dừng lại khiến trẻ không cảm thấy thoải mái, trẻ có thể xem quy tắc cộng đồng của trò chơi.
Nếu hành vi bắt nạt bị cấm thì báo cáo hành vi ác ý đó qua hệ thống báo cáo của trò chơi./.
Theo TTO