Tiếng Việt | English

23/01/2020 - 14:35

Góp chút hương xuân

Xóm nhỏ làm mứt, làng nghề gói bánh tét và những cơ sở sản xuất bánh tráng đang tất bật vào mùa tết. Những người thợ làm bánh, mứt như những con ong cần mẫn làm ra sản phẩm để góp chút hương xuân cho mọi nhà.

 1. Mỗi năm, cứ khoảng đầu tháng 11 âm lịch, xóm nhỏ chuyên làm mứt tết ở ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An lại nhộn nhịp vào mùa. Chị Hương - chủ Cơ sở bánh mứt Út Hương, cho biết: “Cơ sở chúng tôi mỗi dịp tết cung cấp cho thị trường hơn 1 tấn mứt me, gừng, tắc,... Năm nay, dù chi phí thuê nhân công và nguyên vật liệu tăng cao hơn nhưng chúng tôi không tăng giá sản phẩm nhiều”. 

Các xóm, làng nghề nhộn nhịp vào mùa, góp chút hương xuân cho đời

Về xóm nhỏ ấy vào những ngày này, không khí nhộn nhịp hẳn bởi nhiều gia đình tập trung các công đoạn làm mứt như nạo vỏ gừng, tách vỏ me, bỏ hạt, xăm trái, ngâm muối, sên, phơi nắng và đóng gói. Các khâu sản xuất đều làm thủ công nên chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm. Xóm mứt tết rộn rã vào xuân!

 2. Xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hiện có 6 cơ sở sản xuất bánh tráng lớn, chủ yếu tập trung ở ấp Lộc Thạnh và Lộc Hòa. Chuẩn bị phục vụ khách hàng dịp tết, cứ khoảng 4 giờ, các lò tráng bánh đã sáng ánh đèn để bắt đầu công việc.

Tại Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh bánh tráng Hương Vàm Cỏ, mọi người đang làm việc khẩn trương để có sản phẩm phục vụ thị trường tết. Giám đốc hợp tác xã - Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 7-8 tấn bánh tráng các loại với giá 30.000-40.000đồng/kg. Mấy ngày tết, nhà nào cũng có dưa hành, củ kiệu, thịt kho, bánh tét, bánh tráng để tiếp đãi khách và đón người thân, con cháu về sum họp nên chúng tôi phải làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Các xóm, làng nghề nhộn nhịp vào mùa, góp chút hương xuân cho đời

Người đứng máy trộn bột, người xếp bánh, người cắt, cân, đóng gói - tất cả vừa làm việc, vừa trò chuyện vui vẻ, rôm rả. Không khí tại các cơ sở sản xuất bánh tráng vì thế cũng sôi động hơn. Bà Nguyễn Thị Tặng, ngụ ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, tâm sự: “Không khí làm bánh tráng bắt đầu nhộn nhịp khoảng vài tháng trước tết. Lượng bánh bán ra không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường tết, góp phần tăng thu nhập cho các cơ sở mà còn tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Mỗi nhân công làm việc tại các cơ sở sản xuất bánh tráng hiện có thu nhập trung bình từ 130.000-250.000 đồng/ngày. Những người lớn tuổi như tôi cũng có thể làm được vì công việc nhẹ nhàng, phù hợp”.

 3. Từ xưa đến nay, trong nhiều gia đình người Việt, món bánh tét dường như không thể thiếu trong mấy ngày tết. Những ngày giáp tết, tại khu phố 1, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, nhiều gia đình đang tất bật gói bánh tét để góp chút hương xuân.

Các xóm, làng nghề nhộn nhịp vào mùa, góp chút hương xuân cho đời

Bà Nguyễn Thị Sa, ngụ khu phố 1, cho biết: “Gia đình tôi có thâm niên gói bánh tét, bánh ú hơn 10 năm nay. Bánh của gia đình được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng. Những ngày thường, mỗi ngày, gia đình tôi gói trên 100 đòn bánh tét để bán. Còn dịp tết tăng lên vài trăm đòn bánh tét/ngày theo đơn đặt hàng, tăng gấp 4,5 lần. Dịp tết, gia đình tôi thuê thêm từ 2-3 người để gói bánh, không khí trong nhà nhộn nhịp từ 5 giờ đến giữa trưa”. 

Một mùa xuân đầm ấm lại về, dạo quanh trên những con đường trong ngõ nhỏ, hương vị tết quê đang lan tỏa. Những đòn bánh tét dẻo thơm mùi nếp mới, những viên kẹo, mứt thơm lừng, những chiếc bánh tráng mang hương vị rất riêng,... Những tháng cuối năm cũng là khoảng thời gian nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh tất bật vào mùa để tạo ra nhiều sản phẩm cho thị trường tết./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích