Tiếng Việt | English

09/02/2024 - 09:10

Góp sức xây dựng nông thôn mới

Cả đời gắn bó với xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, bà Mai Thị Phấn thấy rõ những thay đổi của địa phương từ khi xây dựng nông thôn mới. Phấn khởi trước những tín hiệu vui, bà chung tay thực hiện bằng sự nhiệt tình và từ những việc làm nhỏ nhất.

Bà Mai Thị Phấn tâm niệm, đóng góp kinh phí, công sức cho lợi ích chung là điều hiển nhiên, cần thiết

Từ khi tuyến đường liên ấp trước nhà được mở rộng, tráng bêtông, hầu như sáng nào, bà Mai Thị Phấn (ấp Bàu Trai Hạ, xã Tân Phú) cũng cùng vài người hàng xóm đi dọc tuyến đường vừa tập thể dục, vừa nhặt rác. Trừ những ngày mưa, hầu như bà Phấn không vắng mặt bao giờ.

Bà Phấn kể: “Trước đây, tuyến đường này trải đá đỏ, nắng bụi, mưa lầy, việc đi lại rất khó khăn. Từ ngày mở đường, người dân trong xóm ai cũng mừng. Cũng nhờ vậy, tôi với mấy chị em mới bắt đầu đi bộ thể dục mỗi ngày. Lúc đi, thấy rác dọc đường thì chúng tôi tiện tay nhặt lấy. Dần về sau thành nếp, chúng tôi cùng nhau vừa tập thể dục, vừa nhặt rác. Người cầm túi đựng rác, người cầm cây gắp, đi hết một vòng là tuyến đường sạch, đẹp. Địa phương đổi mới và phát triển thì mình phải chung tay gìn giữ, phát huy chứ! Từ dạo chúng tôi đi nhặt rác, người dân cũng ý thức hơn, ít vứt rác bừa bãi nữa”.

Từ khi tuyến đường được mở rộng, bà Mai Thị Phấn thường xuyên đi dọc tuyến đường vừa tập thể dục, vừa nhặt rác

Nhìn tuyến đường sạch, đẹp, bà vui lắm. Đó là động lực để bà duy trì việc nhặt rác suốt nhiều năm. Không chỉ vậy, để làm đẹp cảnh quan, bà còn trồng cây, hoa dọc theo tuyến đường trên phần đất của gia đình. Với bà Phấn, việc đóng góp công sức, tài sản cho lợi ích chung, vì sự phát triển của địa phương, bà không bao giờ phản đối.

Để chung tay mở rộng tuyến đường liên ấp trước nhà, gia đình bà hiến 200m2 đất; đồng thời, đóng góp thêm kinh phí để làm đường. “Muốn có đường giao thông lớn và đẹp thì phải đóng góp, vì gia đình, người thân của mình cũng đi trên đoạn đường đó mà. Ngoài đóng góp làm đường giao thông, bất cứ khi nào địa phương triển khai một mô hình nào đó, tôi và gia đình hết lòng ủng hộ, tất cả đều vì lợi ích chung, trong đó có gia đình mình” - bà Phấn bộc bạch.

Đi qua gần hết đời người, vợ chồng bà Phấn chứng kiến sự thay đổi của địa phương nên càng trân trọng những gì đang có. Bà kể, những ngày bà còn trẻ, vùng quê Tân Phú lắm khó khăn, giờ đây, đường giao thông được tráng bêtông, ôtô đến trước cửa nhà; điện và nước sạch thì nhà người dân nào cũng có. Nhờ các chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng,... đời sống, thu nhập của người dân được nâng lên. Sự đổi thay đó là động lực mọi người chung tay, đóng góp xây dựng quê nhà. Nông thôn mới là hành trình dài nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Và trên hành trình ấy, rất cần sự đồng lòng, chung sức của chính người dân!./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết