Tiếng Việt | English

08/06/2019 - 09:03

GSMA: 'Quay lưng' với Huawei và ZTE, châu Âu thiệt hại nặng

Không chỉ phải gánh chịu thiệt hại lớn về tài chính, các công ty viễn thông châu Âu còn chậm trễ với những kế hoạch cung cấp dịch vụ mạng 5G cho khách hàng.

Mẫu điện thoại Axon 10 Pro của ZTE được giới thiệu tại Hội nghị di động thế giới tại Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 26/2/2019. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Không chỉ phải gánh chịu thiệt hại lớn về tài chính, các công ty viễn thông châu Âu còn chậm trễ với những kế hoạch cung cấp dịch vụ mạng 5G cho khách hàng một khi lệnh cấm sử dụng các thiết viễn thông của hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc là Huawei và ZTE có hiệu lực.

Đây là nội dung bản đánh giá nội bộ của Hiệp hội GSMA - cơ quan đại diện cho các nhà cung cấp mạng di động trên toàn thế giới, được các hãng tin AFP của Pháp và Reuters của Anh đồng loạt trích dẫn trong ngày 7/6.

Theo các hãng tin trên, bản đánh giá nhận định các nhà cung cấp mạng di động của châu Âu có thể tổn thất khoảng 55 tỷ euro (62 tỷ USD) nếu không sử dụng các thiết bị của Huawei và ZTE trang bị cho cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ mạng 5G của châu Âu.

Ngoài ra, điều này còn khiến lịch trình cung cấp mạng di động chậm trễ khoảng 18 tháng.

Những đánh giá trên được công bố trong bối cảnh xuất hiện tranh cãi về việc Mỹ yêu cầu các công ty viễn thông tại châu Âu và các quốc gia đồng minh "tẩy chay" thiết bị viễn thông của Huawei do Washington lo ngại vấn đề bảo mật thông tin.

Trong bản đánh giá trên, GSMA cho biết hiện Huawei và ZTE chiếm khoảng 40% thị phần thị trường thiết bị viễn thông của các công ty viễn thông châu Âu và Huawei hiện là nhà tiên phong trong công nghệ 5G.

Bản đánh giá trên nêu rõ các hãng công nghệ "cộm cán" của châu Âu như Ericsson (Thụy Điển), Nokia (Phần Lan) hay Samsung (Hàn Quốc) đều không đủ khả năng xử lý tất cả các hoạt động chuyển đổi từ mạng 3G và 4G sang 5G ở châu Âu, trong khi vẫn phải thực hiện các hợp đồng đã ký ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Ngoài ra, theo GSMA, lệnh cấm sử dụng thiết bị của các nhà cung cấp Trung Quốc còn làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường thiết bị di dộng, đẩy giá cả leo thang và làm tăng chi phí lắp đặt 5G.

Sự chậm trễ trong việc phổ cập mạng 5G tại châu Âu sẽ làm gia tăng cách biệt giữa châu Âu và Mỹ trong lĩnh vực này.

Tháng 5/2019, chính phủ Mỹ đã cấm một số công ty của nước này bán linh kiện cho Huawei phục vụ hãng sản xuất thiết bị viễn thông, lệnh cấm này sau đó đã được gia hạn 90 ngày để có hiệu lực.

Một số công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google, Apple đã rút khỏi các thỏa thuận với Huawei.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu và các nước thành viên cho đến nay vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức về vấn đề này.

Tuy nhiên, một số nhà cung cấp mạng di động như EE và Vodaphone của Anh đã thông báo các công ty này hủy kế hoạch cho ra mắt điện thoại thông minh của Huawei khi các hãng bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích