Tiếng Việt | English

11/01/2024 - 19:13

Gửi người một chút hương tràm (tặng Huyền C.)

Từ Cần Thơ, anh gửi tin nhắn cho tôi hỏi: “Mùa này hàng cây tràm dọc bờ sông nhà em còn trổ bông vàng như hồi trước nữa không?”. Đọc đi đọc lại dòng chữ điện tử nhỏ xíu trên màn hình điện thoại, bất chợt lòng tôi gợi lên một chút gì bâng khuâng, xao xuyến. Bao nhiêu kỷ niệm của một thời xa xưa bỗng hiện về trong tâm tưởng, như vừa mới hôm nào…

Ngày ấy, anh cùng nhóm bạn là sinh viên Đại học Nông Lâm TP.HCM về quê tôi làm thực tập sinh để chuẩn bị cho ngày tốt nghiệp. Đường sá đi lại khó khăn, nhà trọ không có nên nhóm các anh ở nhờ trong trụ sở UBND xã, gần ngay nhà tôi. Còn tôi, khi ấy còn là cô bé học lớp 12 hồn nhiên, trong sáng.

Cả ba và mẹ tôi đều làm việc trong hợp tác xã nông nghiệp nên các anh thường hay tới lui thăm nhà. Những khi bàn chuyện công việc hay thảo luận, các anh thường mời ba mẹ tôi làm trọng tài “đầu bờ”. Có những ngày nghỉ, cả nhóm lại kéo nhau đến nhà tôi thực tập làm nông dân. Anh là người khéo “đầu trò” khiến mọi người trong nhóm sinh viên thích thú. Có lần, anh mượn xuồng, lưới của ba tôi, rồi rủ các bạn ra sông Vàm Cỏ Tây bắt cá. Nhưng cả nhóm sinh viên không một ai biết chèo xuồng.

Ba tôi tính rộng rãi, cho mượn xuồng rồi cho mượn luôn cả cô con gái rượu chở đám sinh viên đang háo hức muốn khám phá miền sông nước. Anh cũng là người biết giăng lưới nhưng đó chỉ là “coi trên sách báo” như cách nói của anh, còn khi thực tế, tay lưới anh thả xuống bị cuộn tròn ngay lại, dính vào nhau. Khi nhịn cười hết nổi, tôi mới chỉ cho các anh cách thả tay lưới sao cho đều và dễ cuốn. Và tôi còn nhớ, trong nhóm sinh viên hôm ấy, anh là người thực hành động tác rất nhanh và chuẩn xác.

Xuồng nhẹ nhàng trôi trên dòng sông lững lờ, dưới bóng mát và hương thơm dìu dịu của hàng cây tràm bông vàng đang thảnh thơi thả mình xuống dòng sông trong xanh. Mê mải thả xong tay lưới, mọi người mới ngỡ ngàng khi trên đầu mình giăng đầy một màu vàng tươi, ẩn hiện trong sắc xanh của những đám lá tràm đang mùa sung sức nhất. Những bông tràm bồng bềnh như lông đuôi những chú sóc bông đang tinh nghịch, nhảy nhót trên cành. Từng tràng hoa đan quyện vào nhau, chỗ thì tua tủa dàn đều theo cánh lá cong cong mềm mại, chỗ thì hướng về bốn phía như mời mọc đón chào lũ bướm ong từ phương xa tìm lại. Có những cây, hoa ra nhiều đến mức, chúng phủ trùm kín lên cành lá làm mất màu xanh diệp lục vốn có. Thay vào đó, toàn bộ thân cây biến thành một khối vàng rực như một cây mai ngày tết.

Thời gian nhóm thực tập sinh ở lại quê tôi trôi rất nhanh. Những khi rảnh rỗi, anh đã chỉ cho tôi hiểu sâu thêm về kiến thức sinh học, hóa học. Tự nhiên tôi thấy những môn học khô cứng bỗng trở nên dễ dàng. Cũng qua cách giải thích của anh, tôi thêm hiểu và yêu mến nhiều hơn mảnh đất và những con người ở ngay trên chính quê hương mình. Và chẳng biết từ khi nào, mỗi khi được gần bên anh, lòng tôi chợt dâng lên một chút gì bồi hồi, xao xuyến. Cảm xúc ấy nhẹ nhàng nhưng dư vị thật ngọt ngào, êm dịu.

Về sau này, có lần anh tâm sự. Ngày ấy, anh cũng rất “quý” tôi. Và anh cũng cảm nhận được thứ tình cảm mà tôi dành cho anh. Nhưng khi ấy, trước mắt tôi còn là các kỳ thi, còn đang đứng trước một bước ngoặt vô cùng to lớn để bước vào tương lai cuộc đời rộng mở. Anh không muốn một chút tình cảm riêng tư khiến tôi ảnh hưởng chuyện học hành…

Một buổi chiều, biết tin nhóm của các anh chỉ ngày mai sẽ hoàn thành kỳ thực tập, trở về thành phố, tôi ngồi dưới hàng bông tràm bên bờ sông trước hiên nhà mà lòng chợt chùng xuống. Bỗng nhiên, anh xuất hiện. Với nét cười vô tư, trong sáng cùng sự thông minh, hóm hỉnh vốn có, anh ngồi xuống bên cô bé con lần đầu tiên thấy lòng mình rung động. Anh nói, tràm bông vàng là loài thực vật tuy dễ trồng, nhanh sinh trưởng và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nó không phải là loại cây tầm thường như nhiều người lầm tưởng. Ở những nơi đất nhiễm phèn, cằn cỗi, khô hạn hay những nơi đất đã bạc màu, cây tràm bông vàng vẫn vươn mình lớn nhanh như thổi. Không chỉ biết tự lo cho mình, vì là loài cây họ đậu nên những nốt sần ký sinh chứa “vi khuẩn nốt rễ” của nó có khả năng tổng hợp đạm tự do, cải tạo môi trường, chống xói mòn và giúp những cánh rừng phòng hộ bảo vệ đất. Đến mùa khô hạn, những tràng bông mang đến cho đời một màu hoa vàng tươi rực rỡ. Tuy không đài các kiêu sa nhưng ở dưới những tràng hoa ấy, cảm nhận mùi thơm bình dị thanh tao, lòng mỗi người bỗng trở nên tươi nhuần trở lại. Và khi ấy, gốc rễ quê hương ở trong mỗi người chúng ta có cơ hội trở về.

Tôi như muốn nuốt trọn từng lời anh nói. Tuy chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa nhưng tôi biết, anh đang nói về cây tràm bông vàng và người dân quê tôi, tuy mộc mạc mà dâng tặng cho đời những thảo thơm tình đất. Bất chợt, anh vỗ nhẹ vào vai tôi rồi nhẹ nhàng nói: “Em là một cô bé xinh đẹp, thông minh. Nhất định sau này em sẽ trưởng thành và hạnh phúc, nhưng nhớ hãy làm được điều gì đó có ích lợi cho quê hương mình”.

Anh vẫn giữ liên lạc với gia đình tôi như một người thân quen đi công tác xa nhà. Tốt nghiệp, anh về Cần Thơ công tác, lập gia đình rồi sinh sống luôn ở đó. Mỗi dịp lễ, tết, anh vẫn thường gọi điện thoại hỏi thăm ba mẹ tôi và mọi người trong nhà.

Còn tôi, năm ấy cũng đã thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Sau khi cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, tôi trở về quê để gắn bó cuộc đời mình với những đứa trẻ thơ ngây trên chính mảnh đất quê hương, như lời anh dặn.

Hai mươi sáu tuổi, tôi yêu rồi lấy chồng. Chồng tôi là cán bộ làm trong ngành tài chính, ngân hàng. Chúng tôi ở ngoài thị trấn cùng hai đứa con xinh đẹp. Do đặc thù công việc nên chúng tôi ít khi có thời gian về quê, cùng nhau dạo chơi nơi đồng ruộng, bẻ rau đồng hay bắt cá. Mặc dù tôi rất thích ôn lại những trò vui thuở bé nhưng hiếm khi chồng tôi có thời gian đi cùng.

Chiều nay, tôi thầm cảm ơn anh, người dù chỉ thoáng qua trong cuộc đời nhưng đã để lại biết bao nhiêu tình yêu thương trong sáng, giúp tôi bước đi đúng đắn trong cuộc đời. Tôi nhắn lại cho anh: “Anh trai ơi, để mai em về nhà ngoại, rồi gửi cho anh, cả hình và một chút hương tràm quê hương, anh nhé!”./.

Nguyễn Hội

 

Chia sẻ bài viết