Tiếng Việt | English

22/11/2024 - 09:49

Hà Giang ơi sao mà yêu thế!

Ghé thăm Hà Giang vào ngày nắng đẹp, tôi có dịp nhìn ngắm núi non hùng vĩ, trải nghiệm những con đường ngoằn ngoèo “giật thót tim”. Chị hướng dẫn viên bảo tôi may mắn vì Hà Giang vừa trải qua cơn mưa tầm tã. Hôm tôi đến nắng giòn tan, cảnh vật tươi xanh mơn mởn sau khi được “tưới tắm”.

Người dân vùng cao nói chung, Hà Giang nói riêng rất mến khách

Người dân vùng cao nói chung, Hà Giang nói riêng rất mến khách

Nhân dịp dự lễ cưới của một chị bạn ở Thủ đô Hà Nội, tôi rủ đám bạn thân làm tour dài ngày qua các vùng đất: Hà Nội - Hà Giang - Sapa. Mỗi nơi đều mang vẻ đẹp riêng biệt, trong đó, Hà Giang là “cô gái” bí ẩn, khiến ai cũng tò mò, thích thú.

23 giờ, tôi lóc cóc hành lý, di chuyển bằng xe giường nằm từ Hà Nội lên TP.Hà Giang. Nghĩ Hà Giang lạnh run nên tôi chuẩn bị nhiều áo ấm, khăn choàng, quần dài,... Vậy mà chốn này “nịnh” tôi bằng thời tiết mát dịu, sương khói bảng lảng, nắng ruộm vàng mấy quả đồi xa tít. Không khí se lạnh mang theo hương thơm nồng nàn của hoa mận, hoa ban khiến lòng người xao xuyến. Ngồi trên con xe của chị hướng dẫn viên, tôi phóng tầm mắt nhìn xa xăm và không khỏi cảm thán Việt Nam mình đẹp quá!

Điểm dừng chân đầu tiên là Cột mốc số 0, tiếp đó là dốc Bắc Sum - nơi đây được ví như con rồng khổng lồ uốn lượn giữa núi rừng. Hai bên đường là những vách đá dựng đứng, thung lũng sâu hun hút.

Sau dốc Bắc Sum là Cổng trời Quản Bạ, đứng ở đây có thể ngắm nhìn những dãy núi trùng điệp, xa xa là núi đôi Cô Tiên mờ ảo. Cảm giác tựa như đang đứng ở rìa của thế giới, nơi bầu trời và mặt đất hòa quyện vào nhau. Rời Cổng trời Quản Bạ, đoàn tôi tiếp tục di chuyển và thăm thú nhiều nơi khác như Cây cô đơn, dốc Cán Tỷ,...

Đến dốc Thẩm Mã, du khách có thể thuê vòng hoa để chụp ảnh lưu niệm

Đến dốc Thẩm Mã, du khách có thể thuê vòng hoa để chụp ảnh lưu niệm

Nếu có cơ hội đến Hà Giang, nhất định phải ghé qua dốc Thẩm Mã để thử cảm giác bo những khúc cua gấp. Đây cũng là điểm tập trung đông du khách và người dân bản địa. Các em bé, cụ già người đồng bào dân tộc cho thuê vòng hoa, giỏ hoa để du khách chụp hình lưu niệm.

Lần đến Hà Giang, tôi có dịp hóa thân thành cô gái H’Mông khi thuê trang phục dân tộc và chụp ảnh tại Nhà của Pao. Điểm đến này nằm trong Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Với lối kiến trúc cổ kính, Nhà của Pao nổi tiếng sau khi xuất hiện trong bộ phim Chuyện của Pao. Dọc hai bên lối vào là các hàng cho thuê trang phục với mức giá chỉ từ 30.000 đồng/lần, rẻ hơn nhiều so với một số địa điểm du lịch khác tại Hà Giang.

Về chiều, sau khi “đánh chén” no nê ở thung lũng Lao và Chải, tôi tiếp tục hành trình khám phá làng Lô Lô Chải, nơi được mệnh danh là thôn Đi đến nơi có gió (tên phim) phiên bản Việt.

Ngôi làng cổ tích này tọa lạc ở chân núi Rồng, phía Bắc Cột cờ quốc gia Lũng Cú, nổi bật với những ngôi nhà trình tường bằng đá, mái lợp ngói âm dương, mang đậm nét kiến trúc truyền thống của người Lô Lô. Những ngôi nhà này được xây dựng theo hướng đón nắng, tránh gió, mang lại không gian sống ấm cúng và hài hòa với thiên nhiên.

Làng Lô Lô Chải vẫn giữ được nét bình yên, giản dị sau bao đổi dời của thời cuộc. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi. Họ sống chan hòa với thiên nhiên và có mối quan hệ cộng đồng rất khăng khít.

Chiều tàn, đoàn tôi nhanh chóng về Phố cổ Đồng Văn để nghỉ ngơi, bởi buổi tối ở Hà Giang đến rất nhanh, nếu không kịp di chuyển sẽ gặp nhiều bất tiện. Sáng hôm sau, đoàn tôi thức giấc từ 6 giờ để ngắm bình minh, đắm chìm trong cảnh núi rừng trải rộng khuất xa tầm mắt.

Lịch trình hôm đó khá nhẹ nhàng vì là ngày cuối ở Hà Giang. Tôi được ghé thăm những điểm nổi tiếng như đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, Mèo Vạc, Đường cua chữ M. Trong đó, tôi ấn tượng nhất là sông Nho Quế xanh ngắt, có thể nhìn xuống lớp thực vật sâu cả mét.

Ngồi trên thuyền, tôi cảm nhận được gió trời lồng lộng len lỏi vào chân tóc mang theo sự mát mẻ, thoáng chút lạnh của núi rừng Đông Bắc. Người dân vùng cao dễ mến, hiếu khách vô cùng. Họ nhiệt tình giới thiệu về văn hóa, con người, thiên nhiên, giúp tôi có góc nhìn toàn cảnh về vùng đất này.

Đến Nhà của Pao, du khách sẽ cảm nhận rõ văn hóa của người dân vùng cao

Đến Nhà của Pao, du khách sẽ cảm nhận rõ văn hóa của người dân vùng cao

Ngoài thưởng ngoạn cảnh đẹp, trải nghiệm bo cua “khét”, tôi còn được thưởng thức nhiều món đặc sản trứ danh như thắng cố, cơm lam, lẩu gà đen, táo mèo, rượu ngô, thịt trâu gác bếp,... Khác miền xuôi, người dân vùng cao thường ưu tiên các loại rau, củ, quả rừng; trâu, heo, gà cũng chắc thịt và thơm ngon hơn. Để món ăn thêm đậm đà, riêng biệt, họ còn sử dụng các gia vị đặc trưng như ớt, gừng, mắc khén,... tẩm ướp thực phẩm.

“Hà Giang ơi sao mà yêu thế/ Lúa vào mùa say cả thi nhân!”, có lẽ hai câu hát trên đủ để diễn tả vẻ đẹp, con người, ẩm thực chốn này. Lựa chọn du lịch Hà Giang giúp chúng ta gác lại mọi bộn bề cuộc sống, thả hồn mình vào thiên nhiên và cảm nhận vẻ đẹp của một trong những nơi đẹp nhất Việt Nam./.

Ngọc Hân

Chia sẻ bài viết