Tỉnh thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19
Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”
Hỗ trợ các DN vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, tỉnh tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (mũi 1) cho gần 83.000 công nhân (CN) của gần 1.800 DN. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, đến nay, tỉnh có gần 1.100 DN trong 28 khu công nghiệp (KCN) đăng ký phương án “3 tại chỗ” với số lao động (LĐ) ở lại gần 50.000 người, đã tiêm vắc-xin (mũi 1) cho DN có đăng ký “3 tại chỗ” với gần 42.000 LĐ. Trong số các DN đăng ký “3 tại chỗ”, ngành chức năng đã kiểm tra, thẩm định được gần 600 DN, trong đó có gần 500 DN đạt điều kiện với hơn 26.000 LĐ ở lại nơi làm việc.
Trong khi đó, ở 22 cụm công nghiệp (đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh), trước khi bùng phát dịch, có trên 310 DN hoạt động với gần 30.000 người LĐ. Thực hiện chủ trương sản xuất an toàn, phòng, chống dịch theo phương án “3 tại chỗ”, có khoảng 240 DN đăng ký thực hiện với tổng số LĐ khoảng 12.600 người. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp kiểm tra, thẩm định và thông báo chấp thuận cho gần 160 DN hoạt động với hơn 9.100 LĐ.
Nhằm bảo đảm cho các DN sản xuất, kinh doanh, ngoài tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho CN, tỉnh thường xuyên chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu trên địa bàn tỉnh.
Tháo gỡ những khó khăn
Về những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Nguyễn Thành Thanh cho biết, do thời gian giãn cách để sản xuất “3 tại chỗ” kéo dài nên một số DN đề nghị cho thay đổi LĐ hoặc xin bổ sung LĐ. Nhiều CN đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” có nguyện vọng trở về địa phương. “Về những vấn đề này, Ban Quản lý Khu kinh tế đã có hướng dẫn quy trình cho sản xuất lại, thay đổi người LĐ tại đơn vị đủ điều kiện vừa cách ly, vừa sản xuất” - ông Nguyễn Thành Thanh nói.
Theo đó, quy trình chọn người LĐ vào nhà xưởng phải bảo đảm 4 bước. Bước 1, DN bố trí khu vực lưu trú tạm thời. DN tổ chức xét nghiệm PCR cho người LĐ vào ngày thứ nhất. Tổ chức tiêm ngừa đối với LĐ chưa tiêm ở cộng đồng; phải bảo đảm người LĐ mới không được tiếp xúc với người LĐ cũ.
Bước 2, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, DN bố trí cho người LĐ ở tại khu vực lưu trú tạm thời. Sau 3 ngày, tiếp tục tổ chức test nhanh Covid-19 cho những người LĐ mới này, nếu kết quả test nhanh lần 2 âm tính thì đưa vào làm việc.
Bước 3, trong quá trình sản xuất từ 3-5 ngày phải xét nghiệm 1 lần. Quản lý chặt chẽ người LĐ, đội ngũ tài xế, người cung cấp các dịch vụ. Phải có phòng cách ly và quản lý riêng đối với đội ngũ tài xế. Bước 4, DN phải tổ chức thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và có cam kết chịu hoàn toàn chi phí kể cả trách nhiệm hình sự (nếu có) khi để dịch bệnh xảy ra.
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh thông tin, khó khăn của DN khi thực hiện “3 tại chỗ” là đa số DN không có đủ mặt bằng, nhà xưởng để bố trí chỗ ở lại cho CN (bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch). Đa số CN, người LĐ không đồng ý ở lại trong công ty nếu thời gian dài, chỉ đồng ý ở lại công ty từ 15-30 ngày và có chính sách hỗ trợ từ công ty. Một số DN đã xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh sau khi thực hiện “3 tại chỗ”nên phải dừng hoạt động...
Để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho DN hoạt động, sản xuất, bảo đảm phòng, chống dịch theo phương án “3 tại chỗ”, Sở Công Thương kiến nghị tỉnh chỉ đạo thực hiện nhanh việc xác định F0, F1 tại các DN để cách ly, điều trị theo quy định; giải quyết cho số CN còn lại của các DN không thể tiếp tục hoạt động “3 tại chỗ” hoặc không muốn ở lại công ty được ra về (có xét nghiệm âm tính hoặc đã được tiêm vắc-xin). Đồng thời, đề xuất cho phép các DN không bảo đảm hoạt động “3 tại chỗ” tạm dừng hoạt động được tổ chức hoạt động xuất, nhập, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu theo kế hoạch của DN.
Mặt khác, cần xây dựng quy trình, trình tự, thủ tục bảo đảm phòng, chống dịch để DN thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Trong đó, cần thể hiện rõ các nội dung về trình tự thủ tục, cơ quan chủ trì, phối hợp để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ DN trong quá trình thực hiện. Ví dụ hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc, định kỳ; xử lý kịp thời khi có F0, F1 mà DN có thông báo để DN sắp xếp lại và tiếp tục sản xuất; đồng thời, quy định cụ thể việc hoán đổi, bổ sung CN trong quá trình hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”./.
Lê vy