UBND tỉnh vừa tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12/2018.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. “Thực hiện nam nữ bình quyền” được Bác Hồ xem là một trong những mục tiêu của cách mạng Việt Nam; “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.
Từ lâu, cả hệ thống chính trị cam kết thực hiện mạnh mẽ việc thúc đẩy BĐG. Nước ta từng bước hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về BĐG, tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Khoảng cách giới trong các lĩnh vực của đời sống được rút ngắn đáng kể. Một số mục tiêu về BĐG trong lĩnh vực lao động - việc làm, giáo dục, y tế đạt kết quả tốt. Phụ nữ và trẻ em gái được tạo điều kiện nâng cao trình độ học vấn. Tỷ lệ nữ tham gia hoạt động chính trị, công tác xã hội ngày càng nhiều, trong đó có nhiều người giữ chức vụ lãnh đạo,...
Bên cạnh những kết quả đã đạt, vẫn còn những thách thức trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tình trạng bạo hành với phụ nữ, xâm hại tình dục với trẻ em gái còn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là nông thôn, vùng sâu. Đây được xem là trở ngại lớn trong việc xóa bỏ bất BĐG ở nước ta, là rào cản đối với sự phát triển KT-XH của đất nước.
BĐG là một trong những tiêu chí để đánh giá về sự phát triển và văn minh của một xã hội, là cơ sở quan trọng để phát huy năng lực của nam giới và nữ giới, là điều kiện lý tưởng để nam giới và nữ giới cùng thụ hưởng cuộc sống hạnh phúc và thành đạt. “BĐG là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” - Thông điệp này định hướng chính cho công tác truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Thông qua việc triển khai tháng hành động sẽ tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân về công tác BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Trong đó, cần chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi còn hạn chế về pháp luật. Cần mạnh dạn đưa các vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em lên báo chí và kiên quyết xử lý người vi phạm để thể hiện tính răn đe của pháp luật. Trong các lĩnh vực, chương trình, dự án, hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, cần đưa yếu tố BĐG vào thực hiện./.
Kim Quy