Tiếng Việt | English

05/11/2020 - 09:54

Hành trình nâng chất các danh hiệu văn hóa

Phấn đấu đạt các danh hiệu: Gia đình, ấp, khu phố văn hóa; xã văn hóa - nông thôn mới; huyện văn hóa là mỗi gia đình, địa phương nỗ lực để nâng cao chất lượng cuộc sống của chính gia đình, làng xã nơi mình sinh sống.

Với gia đình bà Nguyễn Thị Tải, giữ gìn sự vui vẻ thuận hòa trong nhà là điều quan trọng nhất để xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng ấp văn hóa

Nhiều "trái ngọt, cây lành"

Vừa tan buổi chợ về nhà, thấy cháu nội sang chơi, bà Nguyễn Thị Tải (ấp 1, xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) bỏ dở việc, ẵm cháu lên tay. Bà rất tự hào về việc các con tuy đã có gia đình riêng nhưng sống cạnh nhau vẫn rất thuận hòa, vui vẻ. Với gia đình bà, đó là điều quan trọng nhất. Không chỉ với người nhà mà trong mối quan hệ với xóm giềng, gia đình bà Tải cũng giữ sự thuận hòa. Tất cả là nền tảng xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa và tiến tới xã văn hóa tại Tân Hòa.

Các danh hiệu văn hóa được xây dựng nhằm tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn, con người biết giữ gìn đạo lý, tuân thủ pháp luật, sống văn minh và quan tâm lẫn nhau. Hơn 20 năm giữ vững danh hiệu văn hóa, ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước là địa phương có tình cảm láng giềng gắn bó, đời sống tinh thần của người dân khá phong phú và công tác an sinh xã hội luôn được quan tâm chăm lo.

Trưởng ấp Ao Gòn - Võ Văn Hên cho biết, Ban ấp luôn quan tâm đến các gia đình trong ấp, từ đó nhắc nhở kịp thời đối với những hành vi chưa tốt. Sau hơn 20 năm giữ vững danh hiệu ấp văn hóa, Ao Gòn không có người dân thất nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đạt 59 triệu đồng/năm. Ấp có nhiều câu lạc bộ văn nghệ, thể thao hoạt động thường xuyên. Về Ao Gòn giờ đây, đường sá được mở rộng, bêtông hóa. Nhà người dân đa phần kiên cố, 100% hộ dân có điện sử dụng, 99% người dân dùng nước sạch. Các công trình cổng chào, nhà văn hóa đều được xây cất khang trang.

Về Ao Gòn giờ đây, đường sá được mở rộng, bêtông hóa, nhựa hóa; các công trình cổng chào, nhà văn hóa đều được xây cất khang trang

Còn những “hạt sạn”

Hiện nay, toàn tỉnh có 97,2% gia đình văn hóa, 97,7% ấp, khu phố văn hóa và 66,2% xã đạt chuẩn văn hóa, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Tuy nhiên, trên chặng đường xây dựng các danh hiệu văn hóa, bên cạnh những “trái ngọt”, vẫn còn nhiều vấn đề phải lưu tâm.

Tháng 9/2020, một đoạn clip quay lại cảnh bạo hành mẹ già tại ấp 4, xã Long Hòa, huyện Cần Đước bị tung lên mạng xã hội khiến dư luận xôn xao. Sự việc xảy ra trên địa bàn huyện văn hóa duy nhất trong tỉnh khiến dư luận đặt câu hỏi xung quanh tính thực chất của các danh hiệu văn hóa tại địa phương.

Theo phân tích của Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy, vụ việc trên đã vi phạm tiêu chí số 23 về Đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự; tiêu chí số 26 về Quan tâm, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em, người có công, người khuyết tật, người lang thang, cơ nhỡ và người có hoàn cảnh khó khăn trong thang điểm áp dụng bình xét khu dân cư văn hóa cũng như một số tiêu chuẩn xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới. Sau vụ việc, huyện nghiêm túc rút kinh nghiệm; đồng thời, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn phát huy năng lực tham gia hiệu quả vào phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện yêu cầu cơ sở phải sâu sát, nắm bắt dư luận xã hội, những gia đình có biểu hiện xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp để vận động, hòa giải ngay từ ban đầu.

Có lẽ cũng vì những “hạt sạn” ấy mà theo quy định của Chính phủ, việc bình xét, công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa phải bảo đảm số lượng người dân dự họp, dưới sự giám sát của thành viên ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cấp xã. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều địa phương chưa thực hiện đúng theo quy định. Việc bình xét chủ yếu do ban ấp cùng đại diện các đoàn thể, ít có sự tham gia của người dân. Một trong những nguyên nhân là người dân chưa thật sự quan tâm. Có nơi, ấp phải họp vài ba lần mới bảo đảm tỷ lệ người dân dự họp theo quy định (trên 60%). Chính nguyên nhân này nên nhiều địa phương trong tỉnh lựa chọn phương thức đơn giản là ban ấp tự họp xét thay vì tổ chức họp dân hoặc chỉ mời một vài “hộ dân tiêu biểu” cùng tham gia. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến những “hạt sạn” vẫn tồn tại.

Hơn 20 năm giữ vững danh hiệu văn hóa, ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước là địa phương có tình cảm láng giềng gắn bó (Trong ảnh: Người dân ấp Ao Gòn chuẩn bị Trung thu cho trẻ em trong ấp - ảnh tư liệu)

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng, hiện nay, việc đánh giá, công nhận, công nhận lại các danh hiệu văn hóa, nhất là danh hiệu Gia đình văn hóa; Ấp, khu phố văn hóa còn những tồn tại, hạn chế. Một số nơi chạy theo thành tích, buông lỏng chất lượng trong bình xét, công nhận hoặc công nhận lại các danh hiệu. Có nơi tổ chức xét, phúc tra chưa bảo đảm theo quy định. Từ đó, nhiều ấp, khu phố văn hóa để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, tiêu cực, tệ nạn xã hội, cảnh quan môi trường chưa được bảo đảm; nhiều gia đình văn hóa chưa thật sự gương mẫu, tiêu biểu;...

Hiệu quả từ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thể hiện rõ qua những thay đổi tích cực trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tuy nhiên, phong trào này vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, đòi hỏi từng địa phương phải nỗ lực không ngừng. Tin rằng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chất lượng các danh hiệu văn hóa nói riêng và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung sẽ từng bước được nâng lên./.

Quế Lâm

Ý kiến:

"Để nâng chất và giữ vững danh hiệu huyện văn hóa, cả hệ thống chính trị huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Huyện luôn chú trọng vận động các cấp, các ngành và người dân nêu cao ý thức trách nhiệm, chung tay gìn giữ, xây dựng, thực hiện tốt các tiêu chí huyện văn hóa.

Ngoài ra, huyện cũng tập trung huy động nguồn lực xây dựng các công trình, đẩy mạnh phát triển kinh tế cùng các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; xây dựng hệ hống chính trị các cấp vững mạnh để chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt việc nâng chất huyện văn hóa...”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy

"Để nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo. Việc phúc tra, công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, Ấp, khu phố văn hóa phải bảo đảm thực chất, tránh chạy theo hình thức. Công tác kiểm tra phải được tăng cường, nhất là với danh hiệu Gia đình văn hóa. 

Trong kiểm tra, phúc tra, nếu vi phạm quy định thì phải yêu cầu chủ tịch UBND cấp xã thu hồi quyết định công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa hoặc nếu không đủ điều kiện thì kiên quyết không công nhận Ấp, khu phố văn hóa. Trường hợp đã công nhận mà sau khi rà soát, phát hiện vi phạm quy định thì thu hồi quyết định công nhận. Để việc đánh giá được chính xác hơn, tùy theo tình hình thực tế, địa phương có thể nâng các tiêu chí, đưa ra định lượng cụ thể nhưng không được thấp hơn hoặc trái với các quy định của Trung ương”.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng

"Ngay từ việc phát động đến bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, ấp văn hóa, chúng tôi đều thực hiện đúng theo quy định, tổ chức họp dân và bình xét từng gia đình. Người dân nắm bắt được tình hình xóm, ấp nên sẽ đánh giá, bình xét công tâm, thực chất. Ban ấp và đoàn thể cũng phải theo sát, hiểu rõ từng gia đình, hộ dân trong ấp để bình xét, công nhận đúng thực chất”.

Trưởng ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước - Võ Văn Hên

Chia sẻ bài viết