Tiếng Việt | English

22/06/2021 - 09:48

Hậu trường Thượng đỉnh của Biden tiết lộ sự thực tế của châu Âu trước Trung Quốc

Sự thống nhất trong lập trường đối phó với Trung Quốc là điều dễ thấy trong các Thượng đỉnh tuần qua của Tổng thống Biden, nhưng cứng rắn tới đâu và những nước nào sẵn sàng cứng rắn không phải lúc nào cũng giống nhau.

Đằng sau những Hội nghị Thượng đỉnh của Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức với sứ mệnh hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, vốn bị chia rẽ sâu sắc dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, đồng thời tập hợp các đồng minh để đối phó với Trung Quốc.


Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Washington Examiner

Một tuần dành cho những Hội nghị Thượng đỉnh xuyên Đại Tây Dương đã cho thấy những dấu hiệu tiến triển nhưng cả Mỹ và châu Âu đều thừa nhận về những căng thẳng trong các mục tiêu của hai bên. Những chia rẽ giữa NATO và Liên minh châu Âu - một bên là liên minh xuyên Đại Tây Dương do Mỹ dẫn đầu với một bên là một liên minh khu vực với Pháp có lực lượng quân sự đứng đầu, đã khiến lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong liên minh an ninh này chỉ đạt được một thỏa thuận khiêm tốn, so với những gì các quốc gia tìm kiếm trong những tháng trước Thượng đỉnh.

"Có một cuộc thảo luận về Trung Quốc trong NATO và cũng có một cuộc thảo luận khác về nước này trong Liên minh châu Âu. Pháp vô cùng ngần ngại trong việc thực hiện lập trường này trong các chương trình nghị sự", Stefanie Babst - một chuyên gia từng là người đứng đầu cơ quan phân tích chính sách chiến lược NATO nhận định.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nỗ lực thúc đẩy lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong những năm gần đây với sự ủng hộ của các quan chức và nghị sĩ Mỹ từ lưỡng đảng. Ông từng cẩn trọng nhắc đến Trung Quốc trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo NATO năm 2019 nhưng trong tuyên bố mới đây năm 2021, nhà lãnh đạo này đã dành 3 trang tuyên bố để nói về Bắc Kinh.

"Ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc và các chính sách quốc tế chính là những thách thức mà chúng ta cần ứng phó cùng nhau với tư cách là một liên minh. Những tham vọng đã được Trung Quốc khẳng định và các hành vi ngày càng quyết đoán của nước này là những thách thức có hệ thống với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc và những khu vực liên quan đến an ninh của Liên minh", NATO khẳng định.

Tuyên bố trên đã cho thấy sự "đột phá" của liên minh này, vốn được thành lập để kiềm chế Nga, nhưng nay đã tập trung cả vào Trung Quốc.

"Tôi đã nhận thấy có một sự nhất quán chiến lược. Tôi không nói xu hướng trên chiếm toàn bộ nhưng nó thực sự đang dịch chuyển theo hướng này. Chúng tôi cảm thấy rất hài lòng về những điều chúng tôi đạt được trong Hội nghị lần này và điều đó sẽ đưa chúng tôi tới Hội nghị tiếp theo", một quan chức cấp cao nhận định với báo giới ở Geneva.

Pháp – Kẻ gây rối hay cái đầu thực tế?

Dù vậy, đội ngũ của ông Stoltenberg đã kỳ vọng vào một kết quả tốt hơn trong những tháng trước Hội nghị. Tổng thư ký NATO đã thành lập một nhóm chuyên gia để phát triển danh sách những việc cần làm cho liên minh hồi tháng 12. Các đồng minh trong NATO mặc dù thừa nhận báo cáo trên nhưng lại gạt sang bên những khuyến nghị quan trọng, chẳng hạn như lời kêu gọi NATO "nhận thức rõ thách thức từ Trung Quốc qua những cấu trúc hiện tại và cân nhắc thành lập một cơ quan tham vấn để thảo luận về mọi khía cạnh của các lợi ích an ninh của liên minh trước Trung Quốc".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra lý do cho sự thiếu sót này một cách thực tế khi nhấn mạnh rằng: "NATO là một tổ chức tập trung vào Bắc Đại Tây Dương trong khi Trung Quốc hầu như không có gì để làm ở khu vực này".

"Một điều quan trọng cần nhớ là chúng ta không nên tự phân tán chính mình và không nên có thành kiến trong mối quan hệ với Trung Quốc. Mối quan hệ này lớn hơn nhiều lĩnh vực quân sự bởi nó còn bao gồm kinh tế, chiến lược, các giá trị và công nghệ. Chúng ta không nên khiến NATO phân tán khi liên minh này hiện đã tồn tại quá nhiều thách thức", ông Macron nhận định.

Dù vậy, ngay ngày hôm sau, trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Australia Scott Morrison, Tổng thống Pháp Macron đã chỉ trích việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Australia khi Canberra yêu cầu điều tra nguồn gốc dịch Covid-19.

Hai xu hướng trên có lẽ sẽ kết hợp với nhau khi Tổng thống Macron muốn các nước châu Âu có được sự "tự trị chiến lược" với Mỹ. Hiện không khó để nhận thấy có những quan chức ở Mỹ và châu Âu cho rằng nhà lãnh đạo Pháp đang mở rộng EU để gây trở ngại cho NATO.

Một số quan chức thậm chí cho rằng đây chính là động cơ của Pháp khi phủ quyết kế hoạch của Tổng thư ký NATO nhằm tăng đáng kể ngân sách quốc phòng chung của NATO.

"Pháp dường như sẵn sàng tận dụng cơ hội để phóng đại và khoét sâu những chia rẽ trong NATO", một quan chức quốc phòng châu Âu nhận định với Washington Post, đồng thời gọi Pháp là "kẻ chuyên gây rắc rối".

"Thay vì thực sự hàn gắn và thu hẹp những khác biệt, Pháp dường như sẵn sàng tận dụng chúng, có lẽ là nhằm làm suy yếu NATO".

Dù vậy, một quan chức Mỹ cho rằng việc này đã bị làm quá lên và tất cả những nỗ lực của Pháp nhằm xây dựng sự tự trị chiến lược đều nhằm bổ trợ cho NATO.

NATO và EU

Một số quan chức và nhà quan sát trong liên minh thừa nhận rằng, công bằng mà nói, các đồng minh châu Âu, thậm chí là EU, phù hợp với một số nhiệm vụ hơn là NATO. Theo cựu chiến lược gia NATO Babst, EU thực hiện các chương trình huấn luyện quân sự "tốt hơn nhiều" so với NATO.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn hoài nghi về các sáng kiến quốc phòng của EU. Chính quyền Tổng thống Biden đã cử Ngoại trưởng Antony Blinken trao đổi với đại diện cấp cao EU về các vấn đề đối ngoại và an ninh Josep Borrels. Các quan chức EU tin rằng, ông Josep Borrels cần đối thoại cả với Bộ trưởng Quốc phòng Loloyd Austin.

Đội ngũ của Tổng thống Biden dường như thể hiện sự thận trọng trong những tuần gần đây trong việc ủng hộ những sáng kiến quốc phòng của EU, một quan chức EU cho hay.

"Có lẽ bởi họ cho rằng 'tự trị chiến lược' sẽ khiến châu Âu bị đẩy xa NATO và quốc phòng châu Âu sẽ không bổ trợ cho NATO", quan chức này đánh giá.

Dù vậy, phiên bản cuối cùng của tuyên bố chung Mỹ - EU vẫn thừa nhận "sự đóng góp các sáng kiến quốc phòng và an ninh của EU có thể đảm bảo an ninh cho châu Âu và an ninh xuyên Đại Tây Dương, đồng thời thúc đẩy "sự hợp tác mạnh mẽ NATO - EU".

Các nhà lãnh đạo NATO vừa nhất trí phát triển một Khái niệm Chiến lược cho liên minh nhưng châu Âu cũng đang triển khai kế hoạch gọi là La bàn Chiến lược, dự kiến công bố vào mùa xuân năm 2022 khi Pháp giữ vị trí chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU.

"Cả hai tổ chức này đều có nhiều rào cản vô hình và những vấn đề chính trị. Các quốc gia, trong đó có Mỹ cần thuyết phục Pháp rằng, NATO và EU có thể hợp tác với nhau về mặt chiến lược khi đối phó với những vấn đề chung".

Ngày 25/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để "thảo luận về các khía cạnh hợp tác, trong đó có an ninh toàn cầu và sự khôi phục sau đại dịch"./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết