Trẻ em tham gia trò chơi tập thể
Phát triển mạng lưới trường, lớp
An Thạnh - một trong những xã phát triển công nghiệp của huyện Bến Lức có 5 nhóm lớp tư thục mầm non và 8 nhóm trẻ gia đình với khoảng 500 trẻ. Các cơ sở tư thục góp phần không nhỏ trong việc giảm gánh nặng cho trường mẫu giáo công lập, tạo điều kiện thuận lợi cho các bậc phụ huynh an tâm lao động, sản xuất, nhất là giải quyết nhu cầu gửi con của dân nhập cư. Các nhóm trẻ tư thục đặc biệt chú trọng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm tạo uy tín với phụ huynh và xã hội.
Cơ sở tư thục Bo Bo, một trong những cơ sở thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tại xã An Thạnh hiện có 2 nhóm trẻ với 120 trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi. Tại đây, các giáo viên có trình độ chuẩn và trên chuẩn đảm trách lớp lá, nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục.
"Chương trình giảng dạy tại các lớp học được thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, chú trọng dạy kỹ năng sống cho trẻ bằng những bài học thực tế như tham quan vườn cây, vườn rau, ao cá tại cơ sở. Trang thiết bị phục vụ giảng dạy, đồ dùng, đồ chơi trong nhà và ngoài trời cũng được trang bị đầy đủ. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên động viên, nhắc nhở các giáo viên, bảo mẫu thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Cơ sở lắp đặt camera tại phòng học và các khu vực vui chơi để giám sát trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể theo dõi hoạt động của con, em mình qua hệ thống camera" - chủ cơ sở tư thục Bo Bo - Lê Thị Bạch Tuyết thông tin.
Trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi trong trường
"Hiện nay, công tác quản lý các cơ sở mầm non tư thục còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là các nhóm trẻ quy mô nhỏ, nhóm trẻ gia đình rất khó quản lý. Một số nhóm trẻ tư thục không ổn định nên khó cấp phép. Có những nhóm lớp chưa xin phép đã hoạt động hay một số nhóm được cấp phép nhưng không thu hút được trẻ nên tự đóng cửa mà không thông báo, có nhiều nhóm nhận trẻ vượt quá số lượng quy định." Phó Giám đốc Sở GD&ĐT-Huỳnh Thị Huệ |
Tuy mạng lưới trường, lớp phát triển mạnh nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ. Hiện nay, số trẻ 0-5 tuổi đến trường, lớp chưa nhiều, chỉ khoảng 44%; đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi chỉ hơn 9,5%. Nhà nước đang khuyến khích xã hội hóa giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non, việc đa dạng hóa trường, lớp mầm non được mở rộng, kể cả nhóm trẻ tư thục. Đây là những thuận lợi, đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân, phù hợp với yêu cầu của xã hội, đặc biệt là địa bàn có khu, cụm công nghiệp.
Còn nhiều khó khăn trong quản lý
Với sự phát triển mạnh về mạng lưới trường, lớp, nhóm trẻ mầm non hiện nay, đặc biệt là các cơ sở tư thục, ngành GD&ĐT tăng cường công tác quản lý theo quy định tại Điều lệ trường mầm non. Trong đó, ngành thực hiện khảo sát cơ sở vật chất trường, lớp, đồ dùng rèn luyện thể lực, đồ chơi bảo đảm yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; khảo sát trình độ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, giấy phép hoạt động.
Ngoài ra, ngành còn đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhằm giúp đỡ, đưa vào nền nếp đối với những trường, nhóm trẻ còn những sai sót. Nhờ vậy, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại hệ thống mầm non tư thục được thực hiện tốt theo Điều lệ trường mầm non. Các đơn vị chú trọng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, giáo viên. Nhiều cán bộ quản lý sáng tạo, linh hoạt, biết tập hợp sức mạnh tổng hợp ngoài nhà trường cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục mầm non.
Trẻ tham gia hoạt động hát
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Huỳnh Thị Huệ cho biết: "Trước thực tế trên, Sở GD&ĐT tăng cường các biện pháp nhằm khắc phục hạn chế. Ngành giáo dục ký liên tịch với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh trong việc quản lý các nhóm trẻ tư thục, chỉ đạo thực hiện liên tịch ở các cấp huyện và xã. Đồng thời, ngành cũng tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, chủ các nhóm trẻ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên và không chấp nhận giáo viên chưa đủ chuẩn trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngoài ra, ngành cũng phân công hiệu trưởng trường mẫu giáo, mầm non công lập quản lý các nhóm trẻ trên địa bàn."
Hệ thống mầm non tư thục góp phần giảm áp lực cho các trường công lập, nhất là trên địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp. Để đưa hoạt động của các trường, lớp mầm non tư thục đi vào nền nếp, ngành GD&ĐT nỗ lực rất nhiều để khắc phục những hạn chế, hướng dẫn các cơ sở hoạt động theo điều lệ. Ngành giáo dục rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong đầu tư xây dựng cơ sở tư thục mầm non để tất cả các trẻ đều được đến trường và phát triển toàn diện về thể chất cũng như các kỹ năng trước khi bước vào lớp 1.
Các cháu không được đến lớp, bà Lê Thị Thiêu phải vừa làm việc nhà, vừa trông cháu
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa - Nguyễn Tuấn Khanh: Hiện xã có 3 trường mầm non, trong đó, 2 trường tư thục; 7 nhóm trẻ, trong đó, 3 nhóm mới phát triển trong năm 2015, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân địa phương và dân nhập cư. Chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện để các trường, lớp và nhóm trẻ tư thục hoạt động. Thời gian tới, trường mầm non công lập trên địa bàn sẽ được mở rộng, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân. Bà Lê Thị Phương, chủ cơ sở mầm non tư thục Phương Trang, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước: Tuy là cơ sở tư thục nhưng tôi rất chú trọng về trình độ chuyên môn của giáo viên. Hiện, trường có 12 giáo viên, 3 bảo mẫu, trong đó, 12 giáo viên đều đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên học lên cao đẳng, đại học để nâng cao trình độ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ của trường. Bà Lê Thị Thiêu, 56 tuổi, ở ấp 6, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức: Nhà tôi có 2 cháu ở độ 3-4 tuổi nhưng không thể cho đi học mẫu giáo được vì trường học tại địa phương hết chỉ tiêu. Gia đình cũng không có điều kiện gửi cháu đi học ở các trường quá xa nên tôi phải vừa giữ 2 cháu, vừa chăn nuôi và làm việc nhà. Mong rằng, năm học tới, 2 cháu sẽ được đến trường để ba mẹ các cháu an tâm đi làm và để các cháu làm quen với môi trường tập thể. |
Ngọc Sương