Tiếng Việt | English

01/06/2023 - 08:31

Hiểm họa trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Sau 4 năm dừng thu phí, cao tốc TP.HCM - Trung Lương được ví von là “thấp tốc”, “đường làng” với trên 50 vụ tai nạn giao thông, 4 người chết từ đầu năm đến cuối tháng 4/2023.

Hiện lưu lượng phương tiện trên cao tốc đã quá tải, nguy cơ xảy ra tai nạn cao

Cao tốc hóa “đường làng”

Gần 11 giờ trưa một ngày trong tháng 5, tài xế Trần Văn Tuấn (36 tuổi) lái xe tải giao hàng trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hướng về miền Tây. Khi xe vừa qua nhánh rẽ xuống huyện Bến Lức, tỉnh Long An khoảng 2km (đoạn qua xã Thạnh Đức), dòng phương tiện bắt đầu di chuyển chậm do phía trước vừa có vụ ôtô 5 chỗ va chạm xe tải. Tai nạn không gây thương vong, 2 xe chỉ bị hư hỏng. Tuy nhiên, nhiều tài xế thiếu ý thức chạy vào làn dừng khẩn cấp khiến tình trạng giao thông thêm hỗn loạn. Cộng với đoạn đường qua khu vực này đang thi công giặm vá khiến dòng phương tiện rơi vào tình trạng... "thất thủ".

Dòng ôtô bám sát đuôi nhau nhích từng mét, có lúc phải dừng hẳn, nhiều xe phía sau bóp còi inh ỏi. Bị chiếm dụng mất làn ưu tiên, các xe cứu thương sau đó phải liên tục hú còi trong bất lực, len lỏi giữa dòng xe đông nghẹt kéo dài trên 3km. Gần 10 năm kinh nghiệm "cầm vô lăng" nhưng phải mất 1 giờ, tài xế Tuấn mới vượt qua được đoạn đường.

“Mới 2 hôm trước cũng có vụ xe tải và ôtô 5 chỗ va chạm ở gần khu vực này. Cực chẳng đã, Quốc lộ 1 thường ùn tắc, tôi mới bấm bụng chạy trên tuyến này chứ ám ảnh quá rồi!” - anh Tuấn ngán ngẩm nói.

Ám ảnh tuyến đường nhiều hiểm họa, nhiều lái xe kinh nghiệm cho hay, trước khi vào cao tốc, ngoài tra Google Map, họ sẽ theo dõi thông tin trên các trang cộng đồng, nắm các sự cố để đi bằng Quốc lộ 1 nhằm tránh kẹt xe.

Cách đó 20km, gần 16 giờ cùng ngày, cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn giáp ranh giữa xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An và xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, lượng xe bắt đầu đông dần. Dù đã có hệ thống biển cảnh báo giữ khoảng cách an toàn, tuy nhiên, các phương tiện vẫn chạy bát nháo, nối đuôi nhau. Nhiều xe container, xe tải nặng di chuyển “rùa bò” dưới tốc độ tối thiểu án ngữ ở cả 2 làn, trong khi xe khách, xe giường nằm ngang nhiên bật đèn khẩn cấp chạy vào làn xe ưu tiên. Đây chỉ là “một ngày như mọi ngày” trên cao tốc đầu tiên ở phía Nam nối TP.HCM với tỉnh Long An, Tiền Giang.

Bình quân hơn 2 ngày có 1 vụ tai nạn

Cao tốc “thất thủ”, kẹt xe nối dài 10km sau vụ tai nạn xe đầu kéo

Dài gần 62km, 4 làn xe, cao tốc TP.HCM - Trung Lương khai thác từ năm 2010. 4 năm trước, tuyến đường này dừng thu phí, lượng xe bắt đầu tăng cao từ 35% đến 50%, trên 52.000 lượt xe/ngày đêm.

Năm ngoái, phương tiện di chuyển trên cao tốc trung bình mỗi ngày đêm là 50.000 lượt; quí I năm nay, lượt xe bình quân mỗi ngày đêm tại 2 trạm thu phí: Chợ Đệm (TP.HCM) và Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang) đã trên 80.000 lượt. Xe đông và di chuyển chậm, tốc độ từ 60-70km/h so với tốc độ tối đa cho phép 100km/h khiến tuyến đường được ví von là “thấp tốc”, “đường làng”.

“Tình trạng vượt thiếu quan sát, không giữ khoảng cách an toàn, dừng xe trên làn khẩn cấp là nguyên nhân chính của các vụ tai nạn gần đây” - Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 4, Cục Quản lý đường bộ Việt Nam - Nguyễn Đình Dũng nhận định.

Năm 2022, trên tuyến có 141 vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết và 27 người bị thương. Từ đầu năm đến cuối tháng 4/2023, toàn tuyến có 50 vụ tai nạn giao thông làm 14 người bị thương, 4 người chết; có nghĩa là cứ hơn 2 ngày có 1 vụ tai nạn. Các vụ tai nạn thường thấy như va chạm liên hoàn 4, 5 xe; có vụ đặc biệt nghiêm trọng như ngày 02/02/2023 giữa xe khách 16 chỗ và xe đầu kéo làm 3 người chết. Ngoài ra, hiện năng lực thông hành của tuyến đường rất thấp, thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài hàng ngày vào các giờ cao điểm, đặc biệt tại cửa ngõ TP.HCM.

Từ đầu năm đến nay, đơn vị quản lý cao tốc cùng nhà thầu bảo trì phối hợp UBND thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM và UBND huyện Bến Lức nhằm lập lại trật tự, an toàn giao thông hai bên tuyến. Lực lượng chức năng đã giải tỏa các hộ dân buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, di dời, dỡ bỏ ô dù, lều quán tạm 12 hộ, chặt cây che khuất tầm nhìn, tuyên truyền về hành lang an toàn giao thông đường bộ cho 15 hộ dân.

Tại khu vực nút giao Bến Lức từ Km0+00 đến 1+300, Đội Quản lý bảo trì cao tốc phối hợp xã An Thạnh cũng giải tỏa di dời, dỡ bỏ ô dù, lều quán tạm 8 hộ dân, chặt cây che khuất tầm nhìn. Lực lượng chức năng tuyên truyền về hành lang an toàn giao thông đường bộ cho 9 hộ dân; hành vi dừng, đậu xe không đúng nơi quy định cho 5 xe.

Trong khi chờ phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên 8 làn xe và 2 làn khẩn cấp, khởi công sau 2 năm nữa, Khu Quản lý đường bộ 4 cho biết sẽ phối hợp Đội tuần tra cảnh sát giao thông số 7 triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn trên tuyến.

Đơn vị này cũng đang triển khai các dự án sửa chữa, cải tạo mặt đường, bố trí lực lượng thanh tra giao thông, tuần tra đường nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm cùng các sự cố giao thông./.

Nguyệt Nhi - Thường Sơn

Chia sẻ bài viết