Nông dân tham gia lớp tập huấn quản lý dịch hại tổng hợp
Nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực
Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp tham gia lớp tập huấn IPM trên cây lúa tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tham gia lớp tập huấn có 30 học viên (HV) với nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó, có người trên 70 tuổi. Lớp tập huấn được tổ chức vào 8 giờ, thứ Sáu hàng tuần với thời gian tập huấn 14 tuần (suốt thời gian sinh trưởng của cây lúa). Đến nay, lớp tổ chức được 9 tuần. Mặc dù chưa đến thời gian vào lớp nhưng các HV đến khá đầy đủ, không khí thảo luận về giá cả nông sản, quản lý dịch hại, thiên địch,... trên cây lúa rất sôi nổi.
8 giờ, các HV nhanh chóng chia thành 2 nhóm ra ruộng thực hành. Tại đây, các nhóm sẽ tiến hành phân tích hệ sinh thái gồm đo chiều cao cây lúa, đếm số tép, số lá, thiên địch, sâu hại giữa mô hình và ngoài mô hình. Sau buổi thăm đồng, các HV sẽ mô tả lại các nội dung thông qua hình vẽ và đề ra biện pháp xử lý. Giáo viên tập huấn cũng trực tiếp xuống thăm đồng, đếm số tép, số lá, thiên địch, dịch hại,... xem các nhóm có bỏ sót dịch hại, thiên địch để có biện pháp hướng dẫn kịp thời.
Nội dung lớp tập huấn quản lý dịch hại tổng hợp sát thực tế, nông dân vừa làm, vừa học
Ông Nguyễn Văn Nha (SN 1953, ngụ xã Tân Bửu) cho biết: “Nội dung lớp tập huấn sát thực tế, HV được thực hành ngay trên đồng ruộng nên ai cũng phấn khởi. Hơn hết, không khí thảo luận về cách xử lý dịch hại rất sôi động, trong đó, có nhiều biện pháp mới ít tốn chi phí, công chăm sóc. Do đó, tôi không nghỉ buổi nào vì sợ không nắm bắt được quá trình sinh trưởng của từng giai đoạn trên cây lúa. Đặc biệt, tôi vừa học, vừa áp dụng trên 2ha lúa. Kết quả, tôi giảm được 3 lần phun thuốc trừ sâu, 200kg phân bón với tổng chi phí 12 triệu đồng. Dự kiến năng suất trên 7 tấn, lợi nhuận gần 20 triệu đồng/ha”.
Giúp nông dân thay đổi nhận thức
Sau thời gian tổ chức các lớp tập huấn IPM, nhận thức của nông dân thay đổi rất nhiều, trong đó, có việc hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Anh Phạm Hồng Lĩnh (xã Tân Bửu) nói: “Hiện tôi canh tác 6ha lúa, giống ST24. Tham gia lớp tập huấn IPM, tôi nhận biết được các loại thiên địch có lợi cho cây lúa cần phải bảo vệ, các loại dịch hại, từng loại bệnh trên cây lúa. Nhờ vậy, tôi mua đúng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dùng cho cây lúa và thời gian hợp lý để phun thuốc diệt các sinh vật gây hại. Ngoài ra, tôi còn học được biện pháp dùng thiên địch diệt sâu hại nên giảm số lần phun thuốc trừ sâu. Hiện lúa được 60 ngày, tôi chưa phun thuốc lần nào nên giảm chi phí rất nhiều”.
Ngoài lớp tập huấn trên cây lúa, năm 2023, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản (CCTT,BVTV&QLCLNS) tỉnh phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (TTDVNN) các huyện mở các lớp tập huấn trên cây chanh cho nông dân. Nội dung lớp tập huấn gồm: Các nguyên tắc IPM, phương pháp điều tra và quản lý sâu, bệnh hại; phân tích các sinh vật gây hại, sinh vật có ích và biện pháp quản lý; quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...
Bà Phạm Thị Uyển (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Tham gia lớp tập huấn IPM trên cây chanh, tôi thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất rất nhiều. Cụ thể, tôi biết thời vụ xuống giống chanh tốt nhất là vào đầu mùa mưa, cách đào mương lên liếp, đắp mô, mật độ trồng, cách trồng, tưới và thoát nước. Điều tôi tâm đắc nhất được học trong lớp là cách bón phân cho cây qua từng giai đoạn như giai đoạn trước khi xử lý ra hoa, đậu trái. Đối với người trồng chanh sợ nhất là bệnh nứt thân, chảy nhựa, bởi đây là loại bệnh dễ làm cây chết, năng suất giảm nếu không có biện pháp phòng trị sớm.
Sau khi tham gia lớp học này, tôi biết được các loại thuốc để phòng trị bệnh nứt thân, chảy nhựa như Coc 85, Scoer, Copper B phun lên cây hàng tháng hoặc có thể dùng Ridomyl, Aliette pha nước quét lên nơi có vết bệnh 2-3 lần cách nhau 15-20 ngày”.
Tiếp tục duy trì, nhân rộng
Học viên thảo luận để tìm biện pháp xử lý dịch hại
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục triển khai Chương trình IPM trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu, năm 2021, CCTT,BVTV&QLCLNS tỉnh phối hợp các ngành chức năng mở các lớp đào tạo giảng viên IPM. Thông qua lớp tập huấn này nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật chuyển giao, truyền đạt tiến bộ khoa học của cán bộ kỹ thuật đến nông dân.
Đến năm 2022, CCTT,BVTV&QLCLNS tỉnh phối hợp TTDVNN các huyện, thị xã, thành phố mở 7 lớp tập huấn IPM cho nông dân trên các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như rau, lúa, chanh,... Riêng năm 2023, Chi cục phối hợp TTDVNN các huyện mở 5 lớp tập huấn IPM cho nông dân trên cây lúa và chanh. Bình quân mỗi lớp tập huấn có từ 25-30 HV tham gia, thời gian tập huấn 14 tuần. Dự kiến, chương trình tập huấn IPM sẽ được Chi cục duy trì đến năm 2025.
Ngoài mở các lớp tập huấn IPM, CCTT,BVTV&QLCLNS tỉnh còn tổ chức hội nghị tập huấn nhân rộng mô hình IPM trong sản xuất đại trà tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Tân Trụ, Đức Hòa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Nội dung thực hiện tuyên truyền kết quả mô hình ứng dụng IPM đến cộng đồng; mở rộng phương pháp “Nông dân huấn luyện nông dân” với các chủ đề về IPM, sản xuất theo hướng an toàn, giảm thiểu nguy cơ sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường sinh thái.
Phó Chi cục trưởng CCTT,BVTV&QLCLNS tỉnh - Trần Thị Mộng Thi cho biết: “Qua thời gian triển khai các lớp tập huấn IPM, điểm nổi bật là nâng cao được vai trò chủ động của nông dân trong quản lý, giám sát đồng ruộng hướng đến nông dân trở thành chuyên gia đồng ruộng và có trách nhiệm trên đồng ruộng. Đồng thời, giảm thiểu thiệt hại do sinh vật gây hại cây trồng; giảm chi phí sản xuất, công lao động, góp phần tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác; giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng tầm nông sản địa phương. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cùng tỉnh thực hiện tốt Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp”./.
Theo nhóm chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là một hệ thống quản lý dịch hại mà trong khung cảnh cụ thể của môi trường và những biến động quần thể của các loài gây hại, sử dụng tất cả các kỹ thuật và biện pháp thích hợp có thể được nhằm duy trì mật độ của các loài gây hại ở dưới mức gây ra những thiệt hại kinh tế.
Các nguyên lý quản lý dịch hại tổng hợp:
- Trong hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp, tất cả biện pháp kỹ thuật tham gia cần phải hài hòa với các yếu tố môi trường, đặc biệt cần khai thác tối đa các yếu tố gây chết tự nhiên của sâu hại.
- Không thể cho rằng có thể tiêu diệt hết các cá thể gây hại trên đồng ruộng mà chỉ có thể duy trì mật độ chúng ở dưới mức gây hại có ý nghĩa. Như vậy, một biện pháp phòng trừ sẽ được áp dụng, nếu không thì giá trị tổn thất về sản lượng sẽ lớn hơn chi phí của việc xử lý.
- Sâu hại ở mật độ thấp không được xem là dịch hại mà đôi khi còn có lợi vì là nguồn thức ăn để duy trì sự sống của quần thể thiên địch. Chấp nhận một mật độ sâu hại nhỏ trên đồng ruộng là một ý tưởng tốt.
- Không thể quan niệm quản lý dịch hại tổng hợp là một quy trình cứng nhắc để áp dụng trong mọi trường hợp mà cần phải xem đó như là một nguyên tắc cần phải tuân theo để xác định một giải pháp tối ưu trong một tình huống cụ thể.
- IPM là sự vận dụng linh hoạt trên nền tảng khoa học cũ và những tiến bộ kỹ thuật mới.
|
Lê Ngọc