Tiếng Việt | English

29/11/2022 - 12:10

Quản lý dịch hại trên cây trồng: Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng là biện pháp phòng trừ sâu, bệnh mới, có nhiều ưu điểm, đang được nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện. Phương pháp này giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại tồn dư trên sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và nâng tầm giá trị nông sản.

Giảm chi phí sản xuất

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, hạt gạo Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và phải đối mặt với rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm đặt ra nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này. Nhiều nông dân chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật trong canh tác lúa, dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc BVTV. Đây là nguyên nhân gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng, giá trị và xây dựng thương hiệu gạo.

Nông dân giảm được chi phí sản xuất từ 3-4 triệu đồng/ha nhờ áp dụng IPM

Trước thực trạng trên, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu và đề xuất nhiều giải pháp quản lý dịch hại hiệu quả, tiết kiệm và thân thiện với môi trường như IPM; "3 giảm, 3 tăng"; "1 phải, 5 giảm"; công nghệ sinh thái; sử dụng chế phẩm sinh học;...

Theo ghi nhận của ngành Nông nghiệp huyện Đức Hòa, tình trạng nông dân sạ dày và lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV còn khá phổ biến, dẫn đến chi phí đầu vào cao, lợi nhuận thấp. Nhằm giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất lúa, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh triển khai thành công lớp tập huấn về Chương trình IPM trên cây lúa cho 26 nông dân ở xã An Ninh Tây. Khóa tập huấn giúp nông dân nâng cao kỹ năng quản lý ruộng đồng, áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng an toàn và bền vững.

Qua khóa tập huấn, nông dân biết bảo vệ và tận dụng thiên địch để kiểm soát dịch hại trên cánh đồng, tuân thủ nghiêm nguyên tắc "4 đúng" khi sử dụng thuốc BVTV, bảo đảm thời gian cách ly để không còn tồn dư thuốc BVTV trên nông sản.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng xây dựng song song 2 mô hình: IPM và Đối chứng được áp dụng kỹ thuật sản xuất bình thường của nông dân. Sau hơn 3 tháng triển khai, mô hình IPM được nông dân đánh giá cao bởi mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như giảm hơn 50% lượng giống gieo sạ, giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động, năng suất cao, qua đó tăng lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/ha so với lúa sản xuất ngoài mô hình.

Đứng trước cánh đồng lúa đang trĩu hạt nhờ áp dụng mô hình IPM, bà Nguyễn Thị Tiên (xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa) cho biết: “Từ khi được tập huấn và áp dụng mô hình IPM, 0,8ha lúa của gia đình tôi đạt năng suất cao hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó, tôi còn tiết kiệm được 2 lần phun thuốc trừ sâu, giảm chi phí sản xuất”.

Ông Dương Văn Đơn (ấp Sơn Lợi, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) chia sẻ: “Sản xuất theo mô hình IPM, cây lúa được chăm sóc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối, hợp lý nên sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức đề kháng. Năng suất lúa vụ Thu Đông vừa qua đạt gần 7 tấn/ha. Tham gia mô hình này không chỉ giúp giảm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái tại địa phương”.

Được biết, nhờ trồng lúa theo mô hình IPM mà vụ Thu Đông vừa qua, ông Đơn thu lợi nhuận trên 15 triệu đồng/ha. Có được kết quả trên là nhờ ông cũng như 25 nông dân khác được cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật quan sát thiên địch, kỹ thuật quan sát và nắm bắt được tiến triển vòng đời của sâu, bệnh ngay trên đồng ruộng, từ đó, giảm trên 50% việc phun thuốc BVTV so với cách làm truyền thống.

Hướng đến nền nông nghiệp xanh

Hiện nay, việc áp dụng Chương trình IPM trên cây lúa được xem là một trong những lựa chọn hàng đầu nhằm khắc phục những tác động xấu của phân bón, thuốc BVTV đến môi trường, cây trồng, vật nuôi và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp tỉnh, mô hình IPM được áp dụng trên diện rộng sẽ giúp giảm lượng thuốc BVTV, không làm mất cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng, bảo vệ được thiên địch có ích, nguồn nước không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe con người. Đồng ruộng giảm được sự lưu tồn thuốc BVTV trong đất và nước, phục hồi nguồn lợi thủy sản. Trên hết, qua cách trồng lúa IPM, nông dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường trong sản xuất, từ đó hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh đánh giá hiệu quả mô hình IPM tại ấp Sơn Lợi, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Chi cục hướng dẫn nông dân quy trình IPM ngay trên đồng ruộng theo vòng đời phát triển của cây lúa. Nông dân được thấy, hiểu và chấp nhận cho sâu hại tồn tại ở một mức độ nhất định mà không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Từ đó, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV, bảo vệ được số lượng thiên địch cần thiết, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và giảm chi phí sản xuất”.

Thực tế cho thấy, trồng lúa theo mô hình IPM đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường. Đây là bước khởi đầu góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững./.

Nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:

+ Đúng chủng loại: Mỗi loại sâu hay bệnh đều có những loại thuốc thích hợp để phòng trừ. Dùng không đúng thuốc sẽ không diệt được sâu, bệnh mà còn gây lãng phí, ảnh hưởng tới thiên địch và môi trường.

+ Đúng liều lượng và nồng độ: Dùng thuốc không đủ liều lượng và nồng độ, hiệu quả sẽ kém, dịch hại dễ nhờn thuốc. Sử dụng quá liều lượng và nồng độ (lạm dụng thuốc) vừa lãng phí, vừa độc hại.

+ Đúng thời điểm (đúng lúc): Tác hại của dịch hại cây trồng chỉ có ý nghĩa khi mật độ quần thể đạt tới số lượng nhất định, gọi là ngưỡng kinh tế. Do vậy, chỉ sử dụng thuốc đối với sâu hại khi mật độ của chúng đạt tới ngưỡng kinh tế. Các biện pháp “phun phòng” chỉ nên áp dụng trong những trường hợp đặc biệt. Phun thuốc định kỳ theo lịch có sẵn hoặc phun theo kiểu cuốn chiếu là trái với nguyên tắc của phòng trừ tổng hợp.

+ Đúng kỹ thuật (đúng cách): Dùng thuốc phải căn cứ vào đặc điểm của sâu, bệnh gây hại. Ví dụ, khi phun thuốc trừ rầy nâu phải rẽ hàng lúa để đưa vòi phun vào phần dưới của khóm lúa, nơi rầy nâu tập trung chích hút bẹ lá.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết