Tiếng Việt | English

05/12/2022 - 09:34

Hiệu quả từ chương trình quản lý dịch hại tổng hợp

Nhằm ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng lợi nhuận trên một đơn vị canh tác, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa, bước đầu đạt nhiều tín hiệu tích cực.

Giảm thiểu mối nguy hại

Cũng giống như các địa phương khác trong tỉnh, khi tham gia thực hiện mô hình canh tác lúa theo IPM, nông dân tại xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh được cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật (BVTV) và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh tập huấn các chuyên đề về IPM. Ông Nguyễn Văn Mười Hai (xã Tân Ninh) là một trong những người đầu tiên thực hiện chương trình IPM trên cây lúa ở địa phương. Khi tham gia mô hình, ông được cán bộ tập huấn kiến thức về quản lý dịch hại trên cây trồng, nâng cao kiến thức về chọn giống, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật và nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa qua từng giai đoạn.

Nhờ áp dụng tốt các kiến thức về IPM, trên 2ha lúa của gia đình ông Mười Hai cho năng suất và chất lượng cao hơn. Nếu như trước đây, cùng diện tích đó, gia đình ông chỉ thu hoạch khoảng 14 tấn/vụ nhưng từ ngày áp dụng chương trình IPM, năng suất lúa tăng trên 2 tấn so với trước. Đặc biệt, chất lượng lúa cũng được nâng lên và giá bán ổn định hơn.

Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Thạnh thường xuyên cùng nông dân thăm đồng

Sau một thời gian triển khai chương trình IPM, nông dân đã nắm bắt được các thành phần sinh vật gây hại trên cây lúa, các loại thiên địch, phương pháp điều tra và đưa ra phương án xử lý khoa học, an toàn với môi trường. Theo ghi nhận từ các mô hình trên địa bàn huyện Tân Thạnh, lượng phân bón sử dụng ít hơn so với ruộng đối chứng từ 10-15%; đồng thời, số lần phun và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít hơn ruộng đối chứng từ 20-30%; chi phí cho mỗi hécta áp dụng chương trình IPM cũng giảm so với canh tác truyền thống từ 14-17%.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Thạnh - Trần Văn Bưởi cho biết: “Vụ Đông Xuân 2022-2023, huyện tiếp tục thực hiện 2 mô hình canh tác lúa theo IPM tại xã Tân Ninh và Kiến Bình. Để bảo đảm cây lúa phát triển, cho năng suất cao khi áp dụng chương trình IPM, trung tâm thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp đến địa phương hướng dẫn và hỗ trợ nông dân. Trong đó, tập trung hướng dẫn người dân quan sát, nắm bắt tình hình dịch hại và nuôi một số loại côn trùng để nắm bắt vòng đời, hình dạng ở các giai đoạn sinh trưởng của chúng để có biện pháp phòng, trị hiệu quả”.

Tại huyện Thủ Thừa, thời gian qua chương trình IPM được ngành Nông nghiệp huyện quan tâm và triển khai khá hiệu quả. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Huỳnh Diễm Phúc, trước đây, nông dân trên địa bàn huyện thường lạm dụng thuốc BVTV nhưng từ khi triển khai chương trình IPM, tình trạng này được cải thiện rất nhiều, nông dân phun thuốc cũng như bón phân cân đối và hiệu quả hơn. Hiện nay, trên các cánh đồng lúa của huyện, hệ sinh thái đã phong phú hơn trước.

Ông Trần Văn Ngấm (xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa) đang canh tác trên 2ha lúa theo chương trình IPM cho biết, khi tham gia thực hiện chương trình, ông được hướng dẫn các biện pháp canh tác như chọn giống sạch sâu, bệnh, bón phân, bảo vệ thiên địch,... đặc biệt, giảm thiểu hợp lý số lần phun thuốc hóa học, thuốc BVTV. Chia sẻ về hiệu quả khi áp dụng chương trình IPM, ông Trần Văn Ngấm cho biết: “Nếu như các vụ trước, tôi phải phun thuốc đến 3, 4 lần/vụ thì nay chỉ phun có 2 lần/vụ. Chi phí phân bón cũng giảm 60% nhưng cây lúa vẫn khỏe và đạt năng suất cao”.

Cũng giống như ông Ngấm, ông Trần Quốc Dũng, ngụ cùng địa phương, đang canh tác lúa theo chương trình IPM, cho biết: “Chương trình IPM giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và công chăm sóc. Do không sử dụng thuốc hóa học nên lúa sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhờ đó giá bán cũng cao hơn từ 500-1.000 đồng/kg”.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng IPM

Việc áp dụng chương trình IPM trên cây trồng góp phần tăng tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ; giảm thuốc BVTV hóa học, lượng giống và nước tưới; tăng năng suất cây trồng. Đồng thời, giúp nông dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, hạn chế sử dụng phân vô cơ, giảm tồn dư hóa chất trong không khí, nguồn nước, đất đai, sản phẩm làm ra an toàn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, do thời tiết trong vài năm gần đây có những diễn biến không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, sinh vật gây hại cũng phát triển khiến cho công tác chỉ đạo phòng, trị khó khăn hơn. Bên cạnh đó, diện tích canh tác thực hiện chương trình IPM vẫn chưa nhiều nên khó đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ và khó khăn trong quản lý, khống chế sinh vật gây hại.

Trạm giám sát côn trùng thông minh được áp dụng tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh

Để khắc phục những khó khăn; đồng thời, bảo đảm mục tiêu ứng dụng IPM trên cây trồng, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ nông nghiệp và người sản xuất; xây dựng các mô hình canh tác theo IPM gắn với thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và dịch vụ BVTV; nhân rộng các mô hình canh tác theo IPM hiệu quả,...

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: Ứng dụng IPM trên cây trồng là định hướng, giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Chương trình giúp nông dân trên địa bàn tỉnh từng bước thay đổi tư duy sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

“Không chỉ giúp giảm mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV đối với sức khỏe cộng đồng, chương trình IPM còn giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững” - ông Cường cho biết thêm./.

Các nguyên tắc cơ bản trong IPM

- Trồng và chăm cây khỏe: Chọn giống tốt, phù hợp với điều kiện địa phương; chọn cây khỏe, đủ tiêu chuẩn; trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật để cây sinh trưởng tốt, có sức chống chịu và cho năng suất cao.

- Thăm đồng thường xuyên: Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, nắm được diễn biến về sinh trưởng phát triển của cây trồng; dịch hại; thời tiết, đất, nước,... để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Nông dân trở thành chuyên gia đồng ruộng: Nông dân hiểu biết kỹ thuật, có kỹ năng quản lý đồng ruộng cần tuyên truyền cho nhiều nông dân khác.

- Phòng trừ dịch hại: Sử dụng các biện pháp phòng trừ thích hợp tùy theo mức độ sâu, bệnh, thiên địch ký sinh ở từng giai đoạn; sử dụng thuốc hóa học hợp lý và phải đúng kỹ thuật.

- Bảo vệ thiên địch: Bảo vệ những sinh vật có ích, giúp nhà nông tiêu diệt dịch hại.

B.Tùng

Chia sẻ bài viết