Tiếng Việt | English

07/03/2023 - 10:48

Hiệu quả sản xuất lúa gạo từ mô hình Cánh đồng lớn

Thời gian qua, diện tích lúa tham gia mô hình Cánh đồng lớn (CĐL) trên địa bàn tỉnh Long An không ngừng gia tăng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Nông dân tham gia Cánh đồng lớn thu hoạch lúa Đông Xuân 2022-2023

Lợi nhuận cao hơn từ 2-4 triệu đồng/ha/vụ

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp (DN) tham gia thực hiện mô hình CĐL tại 190 cánh đồng với 847 hộ, diện tích trên 14.160ha.

Ông Nguyễn Văn Hải - thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng), cho biết: “Khi tham gia CĐL, chúng tôi được DN bao tiêu sản phẩm nên rất an tâm sản xuất. Ngoài ra, nông dân còn có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện gieo cùng một giống lúa trên cánh đồng, áp dụng cùng quy trình sản xuất,... giúp giảm chi phí, tạo ra sản lượng lớn với chất lượng đồng đều và bảo đảm an toàn, bán được giá cao”.

Thực tế cho thấy, lúa của nông dân trong mô hình CĐL được DN bao tiêu với giá bằng đến cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg. Riêng những mô hình sản xuất lúa giống, DN bao tiêu với giá cao hơn 500 đồng/kg.

Nhờ liên kết, hình thành mô hình CĐL gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm của DN mà thời gian qua, ông Ngô Văn Phi - thành viên HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (HTX Cây Trôm) và nhiều nông dân trồng lúa tại xã Vĩnh Châu A, huyện Vĩnh Hưng vừa có đầu ra ổn định, lại được HTX cung cấp lúa giống, vật tư nông nghiệp đến cuối vụ mới thanh toán tiền.

Ông Phi chia sẻ: “Thời gian qua, nhất là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản, trong đó có lúa. Nhưng tôi và nhiều nông dân trồng lúa của HTX Cây Trôm vẫn có đầu ra ổn định nhờ tham gia CĐL. Vụ Đông Xuân 2022-2023, nông dân chủ yếu sạ các giống lúa Đài thơm 8, ST25,... và tiếp tục được DN bao tiêu sản phẩm”.

Mô hình CĐL thực hiện trên địa bàn tỉnh những năm qua góp phần giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và liên kết với DN, ổn định đầu ra sản phẩm. Nhờ chi phí sản xuất giảm, năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm tăng, lợi nhuận của nông dân trong mô hình có thể cao hơn từ 2-4 triệu đồng/ha/vụ so với nông dân ngoài mô hình.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông dân tham gia CĐL có điều kiện thuận lợi để áp dụng quy trình sản xuất mới, gieo sạ cùng thời gian trong cùng cánh đồng, thực hiện bơm tát nước tập thể và áp dụng đồng bộ nhiều loại máy móc cơ giới từ khâu làm đất đến gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và sấy lúa. Từ đó, giúp giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công và thất thoát trong thu hoạch.

Tiếp tục hỗ trợ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp

Để nâng cao hiệu quả trồng lúa và giúp đầu ra sản phẩm ổn định, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích nông dân liên kết với nhau và với DN để phát triển CĐL, các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án quốc tế, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng,... nhằm nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, tăng cường năng lực hoạt động và khả năng liên kết, hợp tác giữa các HTX, tổ hợp tác với DN.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, thông qua các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp bền vững được triển khai trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân tăng cường liên kết với nhau và với DN để phát triển mô hình CĐL cũng như chuỗi giá trị sản xuất gạo bền vững.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng phối hợp các sở, ngành, tổ chức liên quan tổ chức tọa đàm, hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật và triển khai nhiều mô hình trình diễn để hướng dẫn nông dân áp dụng cơ giới hóa, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa. Đặc biệt là áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,... phát triển sản xuất lúa theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả và bền vững.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Hiện nay, gạo của nước ta đang cạnh tranh với gạo các nước về giá cả, chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên nếu sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ, lẻ thì rất khó phát triển. Do vậy, nông dân và DN cần liên kết, hợp tác với nhau theo chuỗi giá trị ngành hàng, đây cũng là xu hướng tất yếu nhằm sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường”./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết