Tiếng Việt | English

21/12/2023 - 19:27

Hiệu quả từ các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Thời gian qua, tình trạng các thực phẩm sạch, an toàn bị lẫn lộn với các thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng (NTD). Chính vì vậy, việc cung cấp thực phẩm an toàn (TPAT), chất lượng đến tay NTD luôn được xem là vấn đề cấp thiết.

Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Sen Hải Nhơn (huyện Tân Thạnh) xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu ngành hàng sen của địa phương

Tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng

Tham gia chuỗi cung cấp TPAT nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng được mối liên kết chặt chẽ trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm giữa những cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở sơ chế, chế biến với cơ sở buôn bán, tiêu thụ thực phẩm, nông sản. Ngoài ra, việc xây dựng chuỗi góp phần đánh giá thực chất điều kiện bảo đảm TPAT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kiểm soát được nguy cơ mất an toàn trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản tham gia chuỗi. Công tác truy xuất nguồn gốc được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng thông qua việc quản lý nhãn, tem gắn trên các sản phẩm tham gia chuỗi.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An, các cơ sở tham gia chuỗi cung cấp TPAT phải đáp ứng một số tiêu chí và điều kiện như có vùng nguyên liệu hoặc hợp đồng ký kết thu mua vùng nguyên liệu và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; các sản phẩm tham gia chuỗi phải qua sơ chế, đóng gói và tự công bố chất lượng sản phẩm của cơ sở; cơ sở phải tự nguyện đăng ký và làm bản cam kết tham gia chuỗi cung ứng TPAT tại Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh. Trên cơ sở đăng ký đó, Chi cục sẽ tiến hành quy trình thẩm định, đánh giá, tổ chức tập huấn, lấy mẫu các sản phẩm tham gia chuỗi để kiểm tra chất lượng.

Năm 2023, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh triển khai xây dựng mô hình chuỗi cung cấp TPAT trên các sản phẩm rau, dưa lưới, gạo, khoai mỡ, sen, mật ong và mắm ruốc tại các đơn vị: Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa), HTX Nông nghiệp Thuận Mỹ (huyện Châu Thành), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Kè (huyện Thạnh Hóa), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sen Hải Nhơn (huyện Tân Thạnh), HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tân Thịnh (huyện Tân Thạnh), Cơ sở Mắm ruốc Ba Buôi (TP.Tân An) và hộ kinh doanh Phụng Lành (huyện Tân Hưng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 28 chuỗi cung cấp TPAT.

Để khẳng định thương hiệu ngành hàng sen của địa phương, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sen Hải Nhơn (huyện Tân Thạnh) đã làm hồ sơ đăng ký xây dựng chuỗi cung cấp TPAT với Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh. Năm 2023, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sen Hải Nhơn là 1 trong 7 cơ sở được công nhận chuỗi cung cấp TPAT của tỉnh.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sen Hải Nhơn - Ngô Thị Mỹ Dung cho biết: “Thời gian qua, HTX được Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, ngành Nông nghiệp huyện hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục để tham gia chuỗi, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ tập huấn về an toàn trong sản xuất và tạo điều kiện tham gia vào các hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm”.

Sản phẩm mật ong của hộ kinh doanh Phụng Lành (huyện Tân Hưng) được công nhận là sản phẩm thuộc chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn

Chủ hộ kinh doanh mật ong Phụng Lành (xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) - Lương Minh Phụng làm nghề nuôi ong lấy mật gần 20 năm nhưng trước đây, thương hiệu mật ong của gia đình chưa được nhiều người biết đến. Từ khi đăng ký tham gia chuỗi cung cấp TPAT và được Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh công nhận là cơ sở đủ điều kiện tham gia chuỗi thì sản phẩm mật ong Phụng Lành đã được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.

“Trước đây, khi chưa đầu tư mẫu mã, chưa có tem truy xuất nguồn gốc,..., tôi chủ yếu bán theo kiểu nhỏ, lẻ, rất ít khi có đơn hàng lớn. Từ khi được tham gia chuỗi, sản phẩm có đầy đủ nhãn mác, NTD có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn” - ông Phụng chia sẻ.

Tiếp tục hỗ trợ

Việc phát triển chuỗi cung cấp TPAT đã mang lại những tín hiệu vui. Qua đó, hình thành nhiều mối liên kết giữa sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Những sản phẩm chất lượng góp phần xây dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin đối với NTD. Cùng với đó, việc xây dựng, phát triển các chuỗi cung cấp TPAT bước đầu đã giải quyết “bài toán” làm thế nào để cung cấp TPAT đến tay NTD.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Huỳnh Kim Toán thông tin: “Thời gian tới, Chi cục tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất áp dụng quy trình VietGAP để tạo vùng nguyên liệu an toàn thuận lợi cho việc kết nối chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn, xây dựng hệ thống nhận diện và truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử; tăng cường tuyên truyền, quảng bá để người sản xuất, người kinh doanh và NTD hiểu rõ về lợi ích của việc tham gia chuỗi cung ứng TPAT. Ngoài ra, Chi cục sẽ phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm tìm đầu ra cho nông sản tham gia chuỗi và đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh”.

Với sự quyết tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của các cơ sở sản xuất, đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của NTD, tin chắc rằng, thời gian tới, việc phát triển các chuỗi cung cấp TPAT trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết