Tiếng Việt | English

10/12/2019 - 21:00

Hiệu quả từ thiết bị định lượng phân bón cây trồng

Sau nhiều ngày nghiên cứu, chế tạo, thiết bị định lượng phân bón cây trồng của em Lê Thanh Trúc - học sinh lớp 9/6, Trường THCS Hậu Nghĩa (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), đã xuất sắc đoạt giải nhì (không có giải nhất) Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng tỉnh Long An lần thứ 12 năm 2019 và giải khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2019.

Nằm ven sông Vàm Cỏ Đông, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thủy triều nên người dân xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa dần chuyển từ cây lúa nước sang trồng chanh, ổi, bưởi,... Đặc biệt, tràm Úc hiện là cây lấy gỗ giúp cho nhiều hộ gia đình vùng trũng này tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc cây từ 2-6 tháng tuổi (cây non), người dân khá vất vả, nhất là khâu bón phân. Nhận thấy nỗi cực nhọc của nông dân “một nắng, hai sương”, Thanh Trúc tự mày mò, nghiên cứu tạo ra thiết bị định lượng phân bón cây trồng thay thế phương pháp bón phân theo kiểu truyền thống (bón bằng tay).

Em Lê Thanh Trúc xuất sắc giành giải nhì Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Long An lần thứ 12 năm 2019

Sau khi có ý tưởng, Thanh Trúc tham khảo thêm ý kiến của giáo viên chủ nhiệm và thầy cô phụ trách bộ môn Sinh học. Theo đó, em quyết định sử dụng toàn bộ số tiền tích góp của mình sau những ngày bỏ ống heo để mua một số sản phẩm: Ống nối thẳng, ống nối lơi, dây đeo, bu lông ốc vít, nhôm, inox, keo dán,...“Cùng với kiến thức học được từ môn Công nghệ lớp 8, em được ông Chín - người thợ tiện gần nhà hướng dẫn thêm một số kỹ thuật cắt, gọt, tiện, hàn.Sau 1 ngày làm việc cật lực, cuối cùng em cũng gia công hoàn thiện các bộ phận tạo nên thiết bị. Trước khi lắp, dán cố định các bộ phận lại với nhau, em nhờ ông Chín xem, chỉnh sửa lại lần cuối để tạo ra thiết bị định lượng bón phân cây trồng với khối lượng, kích thước gọn, nhẹ (1kg) phù hợp với nhiều đối tượng” - Thanh Trúc chia sẻ.

Nguyên lý hoạt động của thiết bị là cho phân bón dạng viên (Ure, NPK) vào bình chứa, đậy nắp lại, đeo dây vào vai. Tay thuận dùng ngón cái ấn vào tay cò và thả ra, phân bón sẽ theo ống bón phân rơi ra ngoài. Lượng phân bón của ống là 5gr. Bu lông điều chỉnh được vặn sát vào trong và vặn ra từng vòng ngược kim đồng hồ với khối lượng phân bón tương ứng NPK 5 vòng vặn đối với 2,3gr, 6 vòng vặn đối với 3,5gr, 7 vòng vặn đối với 3,7gr,... Còn phân ure 2 vòng vặn đối với 2,5gr, 3 vòng vặn đối với 2,9gr, 4 vòng vặn đối với 3,3gr,…

Theo Thanh Trúc, công dụng của thiết bị là bón vừa đủ khối lượng cần thiết cho cây non (cao không quá 80cm); hạn chế các thao tác nguy hại cho cột sống, giảm bớt bệnh tật nguy hiểm cho người lao động cũng như tác hại của hóa chất lên cơ thể; giảm nhân công lao động, tiết kiệm chi phí cho người trồng. Mỗi lần bón phân, người trồng chỉ đứng ở hàng cây thứ 2 có thể bón cả hàng 1, 2 và 3.Sau khi sử dụng xong, người dùng chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, bảo quản trong mát, hạn chế để thiết bị tiếp xúc dưới ánh nắng mặt trời.

Hiện nay, em Lê Thanh Trúc tiếp tục nghiên cứu, cải tiến thiết bị định lượng phân bón cây trồng của mình, từ bón phân dạng viên sang dạng bột, phân từng loại sang hỗn hợp. Qua đó, góp phần giúp nông dân trồng tràm bớt vất vả, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích