Tiếng Việt | English

03/10/2019 - 09:14

Hồ Chí Minh với tinh thần học tập và tự học

Bằng tấm gương tự học và học tập suốt đời, Bác Hồ để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo. Trên địa bàn tỉnh, Tuần lễ Học tập suốt đời được các địa phương tổ chức đạt hiệu quả tích cực, tạo sự lan tỏa trong xã hội, qua đó huy động được các cấp, các ngành, tổ chức và quần chúng nhân dân tham gia tích cực, mở được nhiều lớp học chuyên đề, lớp học cho cộng đồng dân cư và xây dựng được nhiều thư viện, tủ sách cho các cơ sở giáo dục.

Muốn nâng cao kiến thức, trong quá trình tự học, mỗi người phải biết cách tận dụng triệt để thời gian và những điều kiện, phương tiện có sẵn

Muốn nâng cao kiến thức, trong quá trình tự học, mỗi người phải biết cách tận dụng triệt để thời gian và những điều kiện, phương tiện có sẵn

Học thường xuyên, lấy tự học làm cốt

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, còn sống còn phải học. Đây là biện pháp tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng. Trong học tập cần kết hợp cả học tập ở trường, ở lớp và tự học. Vậy những ai cần phải học? Theo Bác Hồ, ai cũng phải học, không kể người sang hay hèn; giàu hay nghèo, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, dân tộc,… khi đã xác định việc học là một nhu cầu thì tự giác, ai cũng phải học.

Người cho rằng, trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, nếu thấy cái gì học cái ấy thì chỉ thu được một mớ kiến thức hỗn tạp, không có tác dụng với chính người học và cũng không đủ thời gian để học hiểu hết tất cả. Do đó, ngoài việc học ở nhà trường theo chương trình quy định, tùy trình độ nhận thức, công việc đảm nhiệm và vị trí của bản thân để lựa chọn những vấn đề phù hợp, thiết thực để học. Hơn nữa, vấn đề cốt lõi nhất của việc tự học là để nâng cao hiểu biết và áp dụng vào công việc. Học đi đôi với hành là thế!

Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý mỗi người phải học tập với thái độ nghiêm túc, hết sức khiêm tốn, thật thà, biết đến đâu nói đến đó, không tự cho mình là biết đủ rồi, biết hết rồi. Bác nghiêm khắc phê phán tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cao, tự đại cho mình là giỏi nhất thiên hạ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao”, suy nghĩ kỹ càng xem có hợp với thực tế không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn.

Tự học trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi

Phương pháp tự học của Bác Hồ là muốn nâng cao kiến thức, trong quá trình tự học, mỗi người phải biết cách tận dụng triệt để thời gian và những điều kiện, phương tiện có sẵn trong xã hội như thư viện, câu lạc bộ, sách báo, viện bảo tàng, các phương tiện nghe nhìn, các buổi nói chuyện, hội thảo,… Ngoài ra, mỗi người còn tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn của bạn bè, đồng nghiệp và học ở mọi lúc, mọi nơi, trong khi giao tiếp, công việc hàng ngày, việc lớn cũng như việc nhỏ, trong kinh nghiệm thành công cũng như thất bại và học trong công tác vận động quần chúng. Thông qua học tập, tiếp xúc với nhân dân, cán bộ, đảng viên có điều kiện gần gũi, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tham mưu, đề xuất tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, Nhà nước, đúng đắn, phù hợp nguyện vọng của nhân dân.

Để tự học đạt kết quả tốt, theo Bác phải có tinh thần vượt gian khổ để học tập. Năm 1966, trong một buổi nói chuyện với đảng viên mới ở Hà Nội, Bác Hồ nhắc nhở thời kỳ bí mật, điều kiện học tập của đảng viên rất khó khăn, thiếu thầy, thiếu sách, thiếu tự do, nhưng cán bộ và đảng viên vẫn quyết tâm vì cách mạng mà học. Bây giờ điều kiện thuận lợi nhiều, các cô, các chú càng phải ra sức học tập tốt,...

Tấm gương cao đẹp về tư tưởng và tinh thần tự học của Bác

Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc, rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ của Người đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển nhanh chóng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với những biến đổi của xã hội, nếu không sẽ bị tụt hậu. Mỗi người phải học tập không ngừng, học tập liên tục, học tập suốt đời thông qua nhiều hình thức nhưng tự học là điều rất quan trọng, trở thành một yêu cầu cấp bách bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên và từng người lao động.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII nêu rõ: “Cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự học, đảm bảo thời gian tự học, tự nghiên cứu cho mọi người và đặt ra một yêu cầu: “Phát triển mạnh phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân, nhất là trong thanh niên””. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 24/8/1999 và Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đề cao nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương sẽ tiến hành tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 281-QĐ/TTg, ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời về xây dựng các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị học tập đến năm 2020. Trong đó, từng mô hình đều có tiêu chí quy định cụ thể việc học tập thường xuyên của cán bộ và nhân dân để đánh giá, xếp loại, công nhận danh hiệu cho từng mô hình học tập gắn với tiến trình xây dựng xã văn hóa, văn minh đô thị và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Phạm Thanh Phong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Long An

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích