Tiếng Việt | English

30/05/2019 - 08:54

Học tập và làm theo gương Bác trở thành việc làm thường xuyên

Bằng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, nhiều cá nhân, tập thể trên địa bàn huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An tạo được sự lan tỏa trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây cũng là việc làm thường xuyên hàng ngày, gắn với nhiệm vụ chuyên môn, cuộc sống của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Cô Võ Thị Thu Ngân ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, giúp trẻ hứng thú học tập
Cô Võ Thị Thu Ngân ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, giúp trẻ hứng thú học tập

Không ngừng học hỏi, trao dồi kiến thức 

7 năm gắn bó với nghề, cô Võ Thị Thu Ngân - giáo viên Trường Mẫu giáo Mỹ Phú, chưa bao giờ tự mãn hay bằng lòng với những kiến thức hiện có mà luôn học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và những vấn đề trong cuộc sống mỗi ngày. Cô luôn thay đổi phương pháp chăm sóc và giáo dục trẻ, giúp trẻ năng động, tự tin, phát triển hơn về thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mỹ và tình cảm xã hội. Đó cũng là cách làm của cô trong việc học tập và làm theo gương Bác.

“Yêu nghề, mến trẻ” là cái duyên đưa cô Ngân đến và gắn bó với nghề giáo.Khi mới ra trường, thực tế công việc không hoàn toàn như lý thuyết, việc chăm sóc, giáo dục trẻ tuy cực nhưng chưa bao giờ cô Ngân nản chí. Bởi, cô luôn tâm niệm: “Yêu và đến với nghề thì phải thích nghi, học tập và làm tốt nhiệm vụ được phân công”. Vậy là, cô bắt đầu học thông qua đồng nghiệp, tự rút kinh nghiệm mỗi ngày để dần hoàn thiện bản thân và đặc biệt là dành tình cảm yêu thương chân thành với trẻ.Cô tìm tòi các phương pháp dạy mới và áp dụng vào thực tế giảng dạy. Tùy theo nội dung hoạt động, chủ đề, cô linh hoạt áp dụng các phương pháp khác nhau như trò chuyện, tâm sự, lắng nghe trẻ hay sử dụng đồ dùng, đồ chơi, áp dụng công nghệ thông tin,...Nhờ vậy, trẻ thích thú trong các hoạt động.

Cô còn lồng ghép giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho trẻ qua những câu chuyện kể: Thời gian quý báu lắm, Câu chuyện kể về 3 chiếc ba lô, Phải quan tâm đến mọi người hơn,... một cách nhẹ nhàng, không gượng ép để trẻ biết trân trọng những giá trị trong cuộc sống, phân biệt đúng, sai và biết quan tâm, chia sẻ. Cô Ngân tâm sự: “Đó cũng là phương pháp rèn luyện đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Ngoài ra, tôi còn quan tâm dạy trẻ lễ giáo mọi lúc, mọi nơi, tập cho trẻ tính tự phục vụ, đồng thời, hướng dẫn trẻ cách ứng xử khi gặp một số tình huống xấu có thể xảy ra trong cuộc sống”.

Trong cuộc sống hàng ngày, cô Ngân học Bác tác phong giản dị, khiêm tốn, biết lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, phụ huynh và tận tình giúp đỡ mọi người xung quanh. Cô tâm sự: “Tôi ý thức được phải luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm với nghề, giữ gìn phẩm chất, danh dự của nhà giáo và là tấm gương sáng cho trẻ noi theo”.

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mỹ Phú - Ngô Thị Phước đánh giá: “Trong quá trình công tác, cô Ngân luôn học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và có phương pháp dạy hay, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường. Ngoài ra, với vai trò Bí thư Chi đoàn trường, cô luôn nhiệt tình, năng nổ trong các hoạt động phong trào, đưa hoạt động Đoàn của trường ngày càng đi lên. Có thể nói, cô Ngân là một trong những tấm gương sáng của trường”.

Nhờ những nỗ lực của mình, cô Ngân được ghi nhận với nhiều thành tích: Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Đặc biệt, năm 2019, cô là một trong những cá nhân được huyện Thủ Thừa khen thưởng trong thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tàn nhưng không phế, ông Phạm Văn Hành vẫn lặng lẽ góp mật ngọt cho đời với những việc làm ý nghĩa (Trong ảnh: Ông Hành đi treo cờ Tổ quốc nhân ngày lễ)

Tàn nhưng không phế, ông Phạm Văn Hành vẫn lặng lẽ góp mật ngọt cho đời với những việc làm ý nghĩa (Trong ảnh: Ông Hành đi treo cờ Tổ quốc nhân ngày lễ)

Hết lòng phục vụ lợi ích cộng đồng

“Tàn nhưng không phế”, cựu chiến binh Phạm Văn Hành (71 tuổi, ngụ ấp 3, xã Mỹ An) như “chú ong” chăm chỉ ngày ngày góp “mật ngọt” cho đời. Ông hiến đất, vận động người dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn và thực hiện nhiều mô hình hay, ý nghĩa. Đó cũng là “chất người lính Cụ Hồ” theo ông suốt từ thời giác ngộ và tham gia cách mạng đến nay.

Tham gia cách mạng và bị thương, mất một phần chân nhưng ông Hành chưa bao giờ hối hận khi được phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.Ông còn cảm thấy vui vì mình còn sống, được tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương, Tổ quốc.Theo đó, ông Hành tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông không chỉ hiến 70m2 đất mà còn tham gia vận động người dân hiến đất, đóng góp kinh phí để chung tay cùng Nhà nước xây dựng đường giao thông nông thôn. 4 tuyến đường đal được hoàn thành ở ấp 3 là tâm huyết, công sức ông bỏ ra trong việc tham gia vận động người dân. Hiện còn 1 tuyến đường chưa được đal hóa, ông tiếp tục vận động thực hiện.

Ông Hành chia sẻ: “Đường giao thông thuận lợi thì bộ mặt địa phương mới thay đổi, kinh tế người dân mới khá lên. Do đó, tôi rất tâm huyết trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là làm đường giao thông nông thôn. Đường nào có kế hoạch làm là tôi tích cực tham gia vận động người dân.Tôi cùng đoàn đến tận nhà, giải thích về những lợi ích để người dân đồng thuận.Có những gia đình phải vận động nhiều lần, người dân mới thống nhất.Tuy công việc có cực nhưng tôi rất vui vì mình làm được việc có ích cho xã hội”.

Ngoài ra, năm 2018, ông còn phát động hội viên, đoàn viên, đảng viên và nhân dân thực hiện mô hình Đường hoa hai bên đường đal Bà Nhựa với chiều dài 1.000m nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và góp phần thông thoáng đường, giảm tai nạn giao thông. Đặc biệt, năm 2019, ông thực hiện mô hình Treo cờ Tổ quốc.Theo đó, cứ các dịp lễ, tết, ông lại treo cờ Tổ quốc trên tuyến đường chính của địa phương.Được biết, ông Hành vẫn còn giữ “cái tang” của Bác Hồ như một vật quý. Bởi, đó không chỉ là kỷ niệm về Bác mà còn là nguồn sức mạnh giúp ông rèn luyện bản thân, tham gia các công tác xã hội không biết mệt mỏi.

Bên cạnh đó, ông Hành luôn sống giản dị, biết tiết kiệm, yêu thương, hòa thuận với gia đình và đổi xử chan hòa với xóm giềng.Ông cũng là một trong những người uy tín, có tiếng nói ở địa phương.

Có thể thấy, những đóng góp của ông Hành mang lại nhiều lợi ích cho địa phương. Đó cũng là lý do năm 2019, ông được huyện chọn là một trong những cá nhân được khen thưởng trong thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chị Đặng Thị Xuân Diễm kể mẩu chuyện về Bác trong dịp họp cơ quan đầu tuần

Chị Đặng Thị Xuân Diễm kể mẩu chuyện về Bác trong dịp họp cơ quan đầu tuần

Học Bác qua những câu chuyện kể

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phụ nữ xã Bình Thạnh thực hiện mô hình Mỗi hội viên kể ít nhất một mẩu chuyện về Bác. Thông qua những mẩu chuyện, việc học Bác trở nên gần gũi và đi vào đời sống hàng ngày của các chị em.

Mô hình Mỗi hội viên kể ít nhất một mẩu chuyện về Bác bắt đầu thực hiện năm 2017 tại Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thạnh và thí điểm tại Chi hội Phụ nữ ấp Bình Cang 1. Theo đó, mỗi dịp chào cờ, họp tháng, quí, lễ, phụ nữ lại tham gia kể mẩu chuyện về Bác.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bình Cang 1 - Trần Thị Mười tâm sự: “Trước đây, khi tuyên truyền về học tập và làm theo gương Bác, một số hội viên còn mơ hồ và nghĩ phải làm những việc lớn lao. Tuy nhiên, sau khi thực hiện mô hình Mỗi hội viên kể ít nhất một mẩu chuyện về Bác, hội viên hiểu hơn về cách sống giản dị, tiết kiệm và quan tâm những người xung quanh của Bác. Từ đó, tất cả hội viên đều hiểu rõ cách học tập và làm theo gương Bác và bắt đầu từ những việc đơn giản hàng ngày. Đó cũng là “đòn bẩy” giúp các hoạt động của chi hội ngày càng đi lên”.

Mỗi gia đình hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Bình Cang 1 thực hiện lối sống tiết kiệm, biết quan tâm, chia sẻ với mọi người xung quanh, đặc biệt là rèn luyện đạo đức, nuôi dạy con, cháu thảo hiền và sống chan hòa với hàng xóm. Ngoài ra, chị em cũng thực hiện tốt mô hình Nuôi heo đất, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn xoay vòng, phát triển kinh tế; phát huy hiệu quả mô hình 5 không, 3 sạch với việc trồng và chăm sóc hoa, dọn vệ sinh khuôn viên Điểm sinh hoạt văn hóa ấp. Các chị em cùng động viên nhau tham gia bảo vệ môi trường với những việc làm thiết thực: Phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng bao nylon, đồ nhựa dùng 1 lần và dùng giỏ xách đi chợ.

Còn tại Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, những mẩu chuyện về Bác giúp tôi luyện người cán bộ nhiệt tình, gần dân, sát dân và biết lắng nghe dân. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thạnh - Đặng Thị Xuân Diễm cho biết: “Những câu chuyện về Bác luôn là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Đặc biệt, người cán bộ hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chăm lo và phục vụ nhân dân”. 

Kể những mẩu chuyện về Bác tuy là việc làm nhỏ nhưng mang lại lợi ích lớn và thiết thực. Hoạt động này góp phần không nhỏ trong việc đưa Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào đời sống cán bộ và nhân dân./.

Ngọc Thạch


 


 

Chia sẻ bài viết