Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng Đào Thái Hiền (sinh năm 1997, ngụ phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An) đã có 7 năm kinh nghiệm chơi hồ thủy sinh. Năm 2012, tình cờ Hiền biết đến hồ thủy sinh thông qua một người quen, thấy thích thú nên tìm hiểu, rồi "mê" lúc nào không hay. Năm 2013, Hiền bắt đầu tập tành thú chơi này. Được biết, lúc bấy giờ, chơi hồ thủy sinh chưa phổ biến như hiện tại, các vật dụng đa phần là “tự chế”. Mặc dù hiện nay, thú chơi này đã phổ biến hơn trước nhưng Long An vẫn chưa có các cửa hàng chuyên phục vụ cho đam mê của những người yêu thủy sinh, phụ kiện thường được mua tại TP.HCM và các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương,…
Chơi hồ thủy sinh giúp nhiều người quên đi căng thẳng, tìm lại giây phút bình yên trong tâm hồn sau một ngày tất bật với công việc và cuộc sống
Anh Đào Thái Hiền chia sẻ: “Du nhập từ Nhật Bản, thông thường, hồ thủy sinh có 5 phong cách gồm: Rừng, núi đá, Hà Lan, nature (tự nhiên) và phong cách tự do. Tùy theo sở thích và túi tiền mà người chơi sẽ lựa chọn cho mình kích thước hồ, bộ lọc nước, đèn, bộ cung cấp khí O2, CO2, phân nền, loại thủy sinh phù hợp như rong la hán, cỏ thìa, dương xỉ,… Ngoài ra, để trang trí cho hồ thêm sinh động, người chơi sẽ nuôi thêm cá, tép,...
Trong hồ thủy sinh được chia ra 3 phần là tiền cảnh, trung cảnh, hậu cảnh. Khi trồng cây, người chơi cần đặc biệt lưu ý sẽ trồng phía trước là những cây thấp rồi đến những cây cao. Chơi thủy sinh khá tốn kém, để đầu tư một hồ giá “sinh viên” có kích thước 60 x 40 x 40, trung bình người chơi phải bỏ ra từ 2,5 - 4 triệu đồng. Còn đối với những “tay chơi” thứ thiệt thì rất khó để định giá, con số đó có thể lên đến hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỉ đồng”.
Theo nhiều người chia sẻ thì để theo đuổi "bộ môn" này cũng lắm công phu, đòi hỏi người chơi phải có kiến thức. Anh Võ Minh Tiến (ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) chia sẻ: “Ngoài sự kiên nhẫn, sáng tạo, chơi hồ thủy sinh còn đòi hỏi kiến thức. Tôi phải học hỏi từ Internet và những người có kinh nghiệm. Hồ thủy sinh mô phỏng thiên nhiên vào một bể nước bằng thực vật thủy sinh, nhiệt độ nước phải ổn định từ 20 - 30 độ C, đồng thời bảo đảm thời lượng chiếu sáng cho hồ.
Theo đó, đối với những hồ vừa được thực hiện thì nên thay nước mỗi ngày, kéo dài trong 1 tuần đầu tiên, đến tuần thứ hai thì cứ 2 ngày sẽ thay nước một lần, tuần thứ ba thì 3 ngày thay nước một lần, lưu ý mỗi lần thay nước sẽ giữ lại 30% lượng nước cũ trong hồ để tránh hiện tượng sốc nước. Đến khi hồ ổn định, có vi sinh, cây trong hồ phát triển tốt thì từ 1 tuần đến 1 tháng sẽ thay nước, tùy vào tình hình thực tế. Đặc biệt, khi cây trong hồ đã phát triển ổn định thì người chơi là phải duy trì chúng bằng cách chăm sóc, cắt tỉa định kỳ”.
Chơi hồ thủy sinh giúp nhiều người thỏa sức sáng tạo
Để gắn bó với bộ môn này, đòi hỏi người chơi phải thật sự kiên trì, nhẫn nại, anh Nguyễn Thuận Thanh (ngụ phường 3, TP.Tân An) tâm sự: “Hiện tại, tôi chơi thủy sinh loại hồ nhỏ có kích thước 30 x 17 x 20. Ban đầu, vì chưa có kinh nghiệm nên trồng cây bị chết, hôm sau tôi lại mua cây khác về nghiên cứu trồng lại, từ từ có kinh nghiệm. Ngoài ra, tôi còn học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, hiện tại, cây trong hồ sinh trưởng, phát triển tốt.”
Sau nhiều lần thất bại thì anh Phạm Văn Khánh (ngụ phường 4, TP.Tân An) cũng tích lũy cho mình được kha khá kinh nghiệm, anh cho biết: “Tôi xem mỗi lần thất bại như một khoản “học phí” mà mình đóng để “mua” kinh nghiệm. Cảm giác khi nhìn hồ thủy sinh phát triển ổn định từng ngày thật sự rất hạnh phúc. Mặc dù chơi bộ môn này có hơi tốn kém nhưng nó giúp tôi được thỏa sức sáng tạo và có những giây phút thư giãn, bình yên trong cuộc sống. Ngoài ra, tôi cũng được mọi người trong gia đình nhận xét là bớt nóng tính từ khi chơi hồ thủy sinh”.
Cũng nhờ tự tìm tòi, học hỏi mà anh Đào Thái Hiền đã “bỏ túi” được kha khá kinh nghiệm. Từ việc chỉ đơn thuần chơi thủy sinh vì đam mê, năm 2019, bạn nhận thực hiện gia công hồ, hướng dẫn cách chăm sóc. Hiền tâm sự: “Hồ thủy sinh không chỉ đơn thuần là thú chơi mà nó đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống của tôi. Mỗi ngày đi làm về, được nhìn ngắm thành quả do mình tạo ra giúp tôi xua tan đi mọi buồn phiền trong cuộc sống, có hôm ngắm quên cả giờ giấc, nhìn đồng hồ đã gần sáng. Hiện tại, tôi rất vui khi chia sẻ kinh nghiệm với những ai có chung niềm đam mê. Định kỳ nhóm những người yêu thích thủy sinh tại Long An và TP.HCM vẫn họp mặt để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm”.
Không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp, thú chơi này dành cho tất cả những ai yêu thích thiên nhiên, cây cỏ và sự sáng tạo. Chơi hồ thủy sinh giúp nhiều người quên đi căng thẳng, tìm lại những giây phút bình yên cuộc sống./.
Nguyễn Dung