Khởi động dự án giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngày 26/4 tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã công bố một dự án hợp tác mới nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ hơn 2,8 triệu USD (khoảng 65 ỷ đồng) để thực hiện dự án này.
Dự án sẽ hỗ trợ những nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 đối với các nhóm dân số yếu thế cũng như đảm bảo tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) tại Việt Nam. Dự án dự kiến can thiệp trên bốn lĩnh vực: Bạo lực giới; nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi; sức khỏe tình dục và sinh sản; hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về địa phương.
Dự án được triển khai trong thời gian một năm (từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022) tại 14 tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam: Miền Bắc gồm Thái Nguyên, Điện Biên, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh; miền Trung gồm Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam và Đắk Lắk; miền Nam gồm: An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Takio Yamada, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh: “Đại dịch đang cho chúng ta thấy vai trò của sự thấu hiểu lẫn nhau, chia sẻ nguồn lực và trên hết là tình đoàn kết và hợp tác giữa các cộng đồng, xã hội và quốc gia trong việc giải quyết thách thức chưa từng có tiền lệ này. Dự án mà chúng ta công bố hôm nay cũng tiếp nối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản."
Tuy Việt Nam là một trong những quốc gia ứng phó hiệu quả nhất với COVID-19 trên thế giới nhưng những hậu quả kinh tế-xã hội mà đại dịch gây ra vẫn là mối lo ngại lớn. Nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch trên nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó các nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, người cao tuổi và thanh thiếu niên chịu tác động lớn hơn cả.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chia sẻ: “Những thách thức mà người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, phải đối mặt đã diễn biến phức tạp hơn do COVID-19. Đại dịch đang làm sâu sắc hơn những bất bình đẳng vốn có và cho thấy những khoảng trống trong các hệ thống xã hội. UNFPA phấn đấu đảm bảo cung cấp các gói dịch vụ toàn diện, quả trình chăm sóc liên tục cũng như chuyển tuyến kịp thời cho những nhóm dễ bị tổn thương."
"Để Việt Nam có thể đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030, cần giảm thiểu những tác động tiêu cực của COVID-19. Điểm mấu chốt là đảm bảo tất cả mọi người đều được là một phần trong quá trình phát triển bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án mới này sẽ tạo bước nhạy vọt tuyệt vời để Việt Nam có thể giữ vững cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển vền vững,” bà Naomi Kitahara nói.
Dự án sẽ được đồng triển khai bởi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, các cơ quan Liên Hợp Quốc cùng các bên liên quan khác.
Dự án đặt ra một số mục tiêu như thành lập 3 trung tâm dịch vụ một cửa để bảo vệ nạn nhân bạo lực giới, thực hiện 10 chiến dịch sáng tạo, đổi mới về phòng chống bạo lực giới trong bối cảnh COVD-19; 500 nam giới và nữ giới tại địa phương được tập huấn về phòng chống ứng phó với bạo lực giới…
Đối với nâng cao chất lượng của dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, dự kiến sẽ có 1.000 người cao tuổi là đối tượng được chăm sóc và hỗ trợ chất lượng cao tại các tỉnh thị điểm trong bối cảnh COVD-19; 58.000 người cao tuổi được hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc từ xa với những đặc thù phù hợp với bối cảnh COVID19…
Trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và tình dục, mục tiêu của dự án là 5.000 phụ nữ dân tộc thiểu số, lao động đi cư được hưởng lợi từ ứng dụng điện thoại về b sức khỏe sinh sản và tình dục; trang bị cho 820 cơ sở cung cấp dịch vụ các hướng dẫn về mối liên hệ giữa sức khỏe sinh sản và tình dục và COVD-19; 45 cơ sở y tế tuyến huyện được tiếp nhận đổi các hộ và vật tư y tế để bảo vệ cán bộ, nhân viên khỏi COVID-19...
Đặc biệt, dự án sẽ hỗ trợ 1.000 lao động trở về từ nước ngoài (do COVID-19) hoàn thành các khóa học và giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính toàn diện; 300 lao động trở về từ nước ngoài được tư vấn về chăm sóc tâm lý, sức khỏe sinh sản và tình dục, phòng chống bạo lực giới và các lĩnh vực khác; 300 lao động được tiếp cận dịch vụ tư vấn nghề nghiệp./.
Hồng Kiều (Vietnam+)