Tiếng Việt | English

17/11/2015 - 21:05

Hóc dị vật đường thở ở trẻ em

Hóc dị vật là tình huống rất thường gặp ở trẻ. Thực tế, có nhiều trẻ tử vong do tình trạng hóc gây nghẹt đường thở.

Có 2 tình huống xảy ra: Khi trẻ bị dị vật đường thở gây tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn hoặc tắc nghẽn đường thở hoàn toàn.

Dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị hóc dị vật (dị vật đường thờ)

Dấu hiệu cơ bản để nhận biết trẻ đang bị hóc dị vật khi trẻ đang bú, đang ăn, thậm chí đang chơi đùa là đột ngột trẻ ho dữ dội, da tái xanh, sặc sụa, tím tái, chân tay cứng đờ, không thể khóc, ú ớ. Trong trường hợp nặng thì có thể xuất hiện nước, sữa, canh… trào ra từ mũi, miệng của bé. Trường hợp nặng nhất, bé có thể xuất hiện những cơn ngừng thở và tử vong ngay. Đối với trường hợp bị hóc – sặc nhẹ hơn thì trẻ có thể trở lại bình thường nhưng sau đó trẻ dễ bị viêm phế quản, tái phát nhiều lần.

Những vật tiềm tàng yếu tố nguy cơ gây hóc cho trẻ

Mọi lứa tuổi có thể bị hóc dị vật đường thở hay gặp nhất là trẻ dưới 4 tuổi. Dị vật đường thở là những chất vô cơ hay hữu cơ mắc vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản. Hay gặp nhiều nhất là hạt đậu phộng, hạt bắp, hạt dưa, hạt mãng cầu, hạt sapôchê... mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc… thức ăn: cháo, bột.


Cần chú ý khi cho trẻ chơi những đồ vật có kích thước nhỏ. Ảnh: internet

Xử trí khi có dị vật đường thở

Khi thấy trẻ có dấu hiệu sặc sữa, sặc cháo, hay hóc dị vật, cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh những thao tác như sau:

Với trẻ dưới 2 tuổi, đặt bé nằm sấp trên đùi, đầu thấp, một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.

Sau khi làm xong nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức.

Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng của trẻ trào ra thì cha mẹ cần hút kỹ chúng để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng. Song song là gọi xe cấp cứu.

Với trẻ trên 2 tuổi, dùng biện pháp ép bụng (phương pháp Heimlich): để trẻ đứng thẳng, đứng sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.

Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé ngay vào viện.

Làm gì khi chính bản thân bị hóc?

Trường hợp bản thân bị hóc, có thể nhờ người nhà, người xung quanh hoặc tự mình thực hiện nghiệm pháp Heimlich để giúp tống dị vật ra ngoài, sau đó nên vào viện ngay.

Những điều tuyệt đối không nên làm khi bị hóc dị vật

Tuyệt đối không nên áp dụng phương pháp chữa mẹo, không những không giúp ích mà ngược lại kéo dài thời gian cấp cứu gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Tránh móc họng hoặc gây ói có thể làm dị vật mắc kẹt ở thanh môn gây ngạt có thể tử vong.


Tuyệt đối không móc họng khi trẻ mắc dị vật. Ảnh: internet

Cách phòng ngừa

Khi cho trẻ nhỏ bú: Bế trẻ đúng tư thế, đầu cao hơn thân.

Khi trẻ ăn dặm, ăn cháo: không nên ép trẻ ăn nhiều, không cho trẻ ăn khi đang chơi đùa, nói chuyện, chạy nhảy. Cần lưu ý khi chế biến đồ ăn cho trẻ với những thực phẩm có xương. Không cho trẻ ăn các loại trái cây có hạt như hạt dưa, mãng cầu, sabôchê…

Tránh tuyệt đối những vật nhỏ, nguy hiểm trong tầm với của trẻ. Khi phát hiện ra trẻ tự ý cho hạt hay đồ chơi vào miệng, tránh hốt hoảng, không cố gắng móc họng bé, điều này làm bé sợ hãi và khiến dị vật chui vào càng sâu hơn.

Ở trẻ, khi có ho, khó thở kéo dài không rõ nguyên nhân, cần nghĩ tới dị vật đường thở bị bỏ quên trước khi tìm các nguyên nhân khác./.

Nguồn: VOH

Chia sẻ bài viết