Tiếng Việt | English

25/04/2023 - 14:31

Học sinh 'độ' xe đạp điện - Mối nguy khôn lường

Với ưu điểm nhỏ gọn, giá cả phải chăng lại không tốn xăng, sử dụng tiện lợi, nhất là với học sinh (HS) nên xe đạp điện đã trở thành một trong những phương tiện lưu thông phổ biến. Tuy nhiên, một vấn đề đáng báo động là thực trạng nhiều "quái xế" đã tự ý "lên đời", "chế", "độ" để thay đổi kết cấu, đặc biệt là nâng tốc độ lên 40-50km/h cho xe đạp điện. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, độ an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông.

Vào giờ tan học, không khó để bắt gặp nhiều học sinh THCS, THPT sử dụng phương tiện xe đạp điện để lưu thông trên đường

Tại thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, vào giờ tan học, không khó để bắt gặp nhiều HS THCS, THPT sử dụng phương tiện xe đạp điện để lưu thông trên đường. Theo quy định, vận tốc của dòng xe này không quá 25km/h. Vài năm trở lại đây, xuất phát từ tâm lý muốn đi nhanh hơn, rút ngắn thời gian di chuyển từ nhà đến trường và từ chỗ học này đến chỗ học khác, hoặc đơn giản là muốn thể hiện bản thân mà không ít HS sẵn sàng “độ” xe, nâng tốc độ xe lên mức cao hơn. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người sử dụng mà còn tiềm ẩn các nguy cơ dẫn tới tai nạn giao thông.

Qua tìm hiểu, một số HS cho biết việc “độ”, “chế” xe đạp điện rất dễ dàng. Chỉ cần tháo dây hãm tốc trong bánh xe sau thì xe đạp điện sẽ được “kích tốc” chạy nhanh như xe máy điện. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội, có nhiều kênh YouTube, nhiều tài khoản hướng dẫn chi tiết cách tháo dây, lắp ráp,... nên nhiều HS dễ dàng làm theo. Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Duy Dương - Cao Văn Hà cho biết: “Nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là vào các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ hàng tuần. Ngoài ra, trường cũng phối hợp Đội Cảnh sát giao thông Công an thị xã Kiến Tường giáo dục, hướng dẫn các em tham gia giao thông an toàn, tuân thủ các quy định về an toàn giao thông; tình trạng “độ”, “chế” xe đạp điện trong thời gian qua có giảm nhưng chưa triệt để, rất cần sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường, phụ huynh và các cơ quan chức năng để nâng cao ý thức, bảo đảm an toàn cho HS khi tham gia giao thông”.

Thực tế, khi lưu thông trên đường, nhiều HS chạy xe đạp điện quá nhanh, chủ quan khi xem loại xe này không khác gì xe đạp thông thường, dẫn đến không thể xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra. Nguy hiểm hơn, loại xe này chạy rất êm, rất ít tiếng động nên khi vượt lên, xe lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh, nhất là vào ban đêm,... Hầu hết các loại xe đạp điện không gắn kính chiếu hậu, còi, đèn xi-nhan nên khi chuyển hướng cũng có thể xảy ra tai nạn nếu người tham gia giao thông thiếu cảnh giác. Hiện không ít HS sử dụng xe đạp điện có vận tốc cao, vượt trên 25km/h nhưng thiếu kỹ năng xử lý, bởi các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức giao thông, chưa được học về kỹ năng điều khiển xe an toàn, đúng cách và đã có nhiều tai nạn thương tâm liên quan đến loại xe này. 

Thượng tá Nguyễn Công Hòa - Phó Trưởng Công an thị xã Kiến Tường, thông tin: “Lực lượng chức năng tăng cường phối hợp giáo dục ý thức chấp hành tham gia giao thông của các HS bằng nhiều hình thức. Bên cạnh việc kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, chúng tôi cũng mong muốn các phụ huynh tăng cường giáo dục con em mình, tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc. Các cửa hàng, cơ sở sửa xe cũng không nên vì một chút lợi nhuận mà tiếp tay cho các hành vi “độ”, “chế” xe gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”.

Việc thay đổi kết cấu xe tiềm ẩn hiểm họa khôn lường cho người điều khiển xe cũng như những người xung quanh, thế nhưng, không phải ai cũng ý thức được điều này. Cùng với sự quản lý chặt chẽ của nhà trường, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, quan trọng nhất chính là sự quan tâm của phụ huynh, tuyệt đối không để con em mình lưu thông trên những chiếc xe đã “kích tốc”, không bảo đảm an toàn./.

Lệ Hằng

Chia sẻ bài viết