Tiếng Việt | English

23/10/2024 - 09:21

Học sinh sử dụng điện thoại - quản lý thế nào cho hiệu quả?

Vấn đề siết chặt việc học sinh (HS) sử dụng điện thoại (ĐT) trong trường học đang được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, HS. Có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến cho rằng chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số thì việc cho HS sử dụng ĐT để truy cập, tìm kiếm thông tin là việc bình thường. Siết chặt việc HS sử dụng ĐT không đồng nghĩa với hạn chế các em tìm kiếm thông tin phục vụ việc học.

Cấm ở đây là cấm HS sử dụng ĐT trong giờ học khi không được sự đồng ý của giáo viên (GV) hoặc sử dụng cho việc riêng. Còn đối với những tiết học cần truy cập, tìm kiếm thông tin trên mạng, dưới sự hướng dẫn và quản lý của GV, các em hoàn toàn có thể sử dụng ĐT phục vụ việc học.

Năm học 2024-2025, nhiều trường bắt đầu siết chặt việc HS sử dụng ĐT trong giờ học khi không được sự cho phép của GV. Một số trường còn xây dựng các mô hình: Sân trường không ĐT, Lớp học không ĐT, Giờ giải lao không ĐT,… và đưa việc không sử dụng ĐT trong giờ học vào tiêu chí xét thi đua giữa các lớp.

Năm 2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) kêu gọi toàn cầu cấm HS dùng ĐT ở trường nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng. Theo đó, ngay đầu năm học 2024-2025, hàng loạt quốc gia như Hà Lan, Anh, Hy Lạp, Hungary, Đan Mạch, Bỉ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã cấm HS dùng ĐT ở trường. Tại Việt Nam, từ đầu năm học đến nay, nhiều địa phương đã có văn bản yêu cầu các trường học siết chặt quản lý việc HS sử dụng ĐT trong khuôn viên nhà trường.

Ai cũng biết việc HS sử dụng ĐT trong giờ học sẽ làm giảm khả năng tập trung, thậm chí các em không quan tâm đến bài giảng. Thay vì nghe thầy cô giảng bài, các em lại bị chi phối bởi những trò giải trí trên ĐT dẫn đến thiếu tập trung. Việc mất tập trung thường xuyên sẽ khiến HS khó ghi nhớ bài giảng, làm bài tập và dẫn đến học tập sa sút. Bên cạnh đó, “nghiện” ĐT còn làm giảm khả năng giao tiếp, kết nối, xây dựng mối quan hệ bạn bè của các em. Sau vài tuần cấm HS sử dụng ĐT trong khuôn viên trường, một trường học ở TP.HCM ghi nhận HS tích cực tham gia các trò chơi vận động, giao lưu, kết nối với nhau nhiều hơn trước. Cụ thể, vào giờ ra chơi, thay vì cứ “dán mắt” vào màn hình ĐT như trước, các em xuống sân trường cùng chơi đá cầu, đánh cầu lông hoặc trò chuyện, đi căng tin. Các em cũng tích cực tương tác với GV hơn và có thời gian rèn luyện những kỹ năng như đọc sách, trao đổi, làm việc nhóm,... Việc siết chặt HS sử dụng ĐT trong giờ học còn giúp các em hạn chế lệ thuộc vào công nghệ. Trước đó, với những bài tập khó, nhiều em thường sử dụng ứng dụng AI để giải bài thì nay các em tăng cường tư duy, trao đổi với GV để tìm cách giải.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số không thể nào hoàn toàn cấm HS sử dụng ĐT bởi thiết bị số hỗ trợ tích cực trong quá trình học tập của các em. Thế nên, trong những tiết học được GV cho phép, các em hoàn toàn có thể sử dụng ĐT để thảo luận, tìm kiếm thông tin phục vụ việc học. Không thể phủ nhận ĐT thông minh hỗ trợ rất nhiều cho HS trong quá trình học tập. Các ứng dụng học tập thông minh có thể giúp các em làm bài tập, giải toán, vẽ đồ thị,... một cách trực quan và sinh động. Ngoài ra, HS còn dễ dàng tương tác với GV và bạn bè để trao đổi về việc học tập thông qua các ứng dụng chat, forum. ĐT thông minh còn giúp HS ghi chú, sắp xếp lịch học, quản lý thời gian hiệu quả hơn. Vấn đề đặt ra là không cấm hoàn toàn việc HS sử dụng ĐT trong nhà trường mà là siết chặt quản lý để các em vừa có thể ứng dụng công nghệ số trong việc học tập, vừa hạn chế tình trạng “nghiện” ĐT, tập trung hơn vào việc học, không bị xao nhãng bởi các ứng dụng giải trí trên ĐT.

Việc siết chặt HS sử dụng ĐT trong giờ học là một biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng học tập và tạo ra một môi trường học tập lành mạnh. Tuy nhiên, để việc này mang lại hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, GV, phụ huynh và chính bản thân HS./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết