Tiếng Việt | English

18/06/2016 - 18:07

Hơn 1 triệu USD xây dựng chiến lược ngành công nghiệp Việt Nam

Dây chuyền sản xuất pin R20 của Công ty Cổ phần Pin Hà Nội (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam). (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Ngày 17/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã tổ chức khởi động dự án "Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế."

Dự án này nhằm cải thiện chất lượng của chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam thông qua xây dựng năng lực thể chế, soạn thảo các báo cáo công nghiệp cho khu vực công và tư, đề xuất chiến lược ngành và các chính sách cụ thể nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam, qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, góp phần giảm đói nghèo và cải thiện bất bình đẳng thông qua việc tạo ra các hoạt động sản xuất và việc làm mới.

Dự án được thực hiện trong 36 tháng, với tổng vốn gần 1,1 triệu USD, bao gồm vốn ODA là 980.000 USD do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua UNIDO, vốn đối ứng phía Việt Nam là 100.000 USD được đóng góp bằng hiện vật.

Dự án sẽ củng cố năng lực hoạch định chính sách công nghiệp ở Việt Nam; xây dựng năng lực trong hoạch định chính sách công nghiệp cho nhóm cạnh tranh công nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách cấp cao; đề xuất các chiến lược công nghiệp phân chia ngành dựa trên các ví dụ điển hinh và các chính sách công nghiệp, giải thích rõ các công cụ chính sách được triển khai.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hữu Phúc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Công Thương) cho hay phía Bộ Công Thương cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho việc thực hiện dự án hỗ trợ này.

Ông Phúc hy vọng rằng dự án sẽ góp phần giúp Chính phủ Việt Nam nhiều đề xuất, xây dựng chính sách để phát triển ngành công nghiệp. Ông Phúc cũng đề nghị các bên tham gia tuân thủ đúng các quy định và theo luật lệ của Việt Nam và ông mong rằng có nhiều dự án hỗ trợ để phát triển công nghiệp hơn nữa trong tương lai từ phía UNIDO và các đối tác.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong thời gian qua có nhiều dự án được thực hiện hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, như năng lượng, bảo vệ môi trường, tư vấn chính sách, công nghiệp...

Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam cao nhưng tỷ lệ giá trị gia tăng, cũng như công nghệ trong các sản phẩm của Việt Nam còn thấp. Do vậy, Việt Nam phải thúc đẩy chuyển dịch nền công nghiệp có giá trị gia tăng thấp lên quy mô có giá trị gia tăng cao hơn. Với các hiệp định FTA mới thì tính cạnh tranh và vai trò của chính sách công nghiệp càng có tầm quan trọng hơn. Các chính sách hợp lý khả thi sẽ là cốt lỗi nâng cao giá trị gia tăng, cạnh tranh.

Ông Ludovico Alcorta, Giám đốc Bộ phận Chính sách phát triển, Thống kê và Nghiên cứu chiến lược của UNIDO tại Áo cho rằng có 5 vấn đề Việt Nam cần quan tâm bao gồm đa dạng hóa phát triển kinh tế để có những sản phẩm giá trị cao hơn; nâng cao hơn nguồn nhân lực và cần tiếp cận công nghệ tiên tiến, nền kinh tế tri thức, thực hiện tốt hơn quá trình công nghiệp hóa...

Ông Alcorta cũng hy vọng UNIDO và Việt Nam sẽ cùng nhau phối hợp, hợp tác để có sự tham gia tích cực của tất cả các bộ ngành liên quan bởi vì các chính sách công nghiệp sẽ không thể chỉ một ngành giải quyết được mà phải đa ngành cùng hướng tới.

Cùng với đó, các đối tác sẽ hợp tác chặt chẽ để thực hiện mục tiêu và UNIDO sẽ cố gắng nhất để đảm bảo sử dụng tốt các nguồn lực cho mục tiêu của dự án.

Theo ông Sang Shik Park, Tổng lãnh sự Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, phía Hàn Quốc cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình cho phía Việt Nam trong phát triển công nghệ và hợp tác hiệu quả hơn với Việt Nam. Chính phủ Hàn Quốc cam kết hỗ trợ mạnh mẽ nhất để tăng tính cạnh tranh và hỗ trợ cho phía Việt Nam.../.

Đức Dũng/TTXVN 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích